Cam kết về mua sắm công trong TPP: Sẽ có nhiều bỡ ngỡ

(BĐT) - Đây là nhận định của hầu hết các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, đặc biệt là 4 đơn vị cùng 34 bệnh viện đầu tiên của Việt Nam sẽ tham gia triển khai thực hiện cam kết về mua sắm chính phủ (MSCP) trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có mặt tại Hội thảo Cam kết về MSCP trong TPP.
Một nguyên tắc cơ bản, chặt chẽ trong cam kết về mua sắm công của TPP là các quốc gia thành viên không được ưu đãi hàng hóa, dịch vụ hay nhà thầu nội. Ảnh: Đinh Tuấn
Một nguyên tắc cơ bản, chặt chẽ trong cam kết về mua sắm công của TPP là các quốc gia thành viên không được ưu đãi hàng hóa, dịch vụ hay nhà thầu nội. Ảnh: Đinh Tuấn

Sự kiện này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hôm qua (14/6), tại Hà Nội. Hội thảo nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản ban đầu về cam kết của Chính phủ trong Hiệp định TPP, trợ giúp cơ quan quản lý nhà nước (chủ thể mua sắm) cũng như các doanh nghiệp triển khai hiệu quả những cam kết, tránh những vi phạm đáng tiếc trong quá trình thực hiện.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, MSCP là một nội dung khó trong đàm phán Hiệp định TPP. Do vậy, phải mất tới 6 năm đàm phán các bên liên quan mới tiến tới thống nhất các nội dung của Chương MSCP.

Thông tin về Chương MSCP của Hiệp định TPP, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế thuộc Cục Quản lý đấu thầu cho biết, một trong những điểm đáng chú ý tại Chương này là phạm vi điều chỉnh. Theo quy định của Chương MSCP trong TPP, phạm vi điều chỉnh được chia ngưỡng trong bản chào mở cửa thị trường của mỗi nước. Phần trên ngưỡng phải tuân thủ theo quy định MSCP của TPP, còn phần dưới ngưỡng vẫn tuân thủ theo Luật Đấu thầu. Chương MSCP của TPP cũng chỉ rõ một số nội dung không thuộc phạm vi điều chỉnh như: mua/thuê đất, bất động sản; thỏa thuận không mang tính hợp đồng (hỗ trợ, khoản vay, bảo lãnh…); gói thầu sử dụng vốn  ODA mà nhà tài trợ có quy định về đấu thầu và các ngoại lệ khác (an ninh quốc phòng, quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm an ninh trật tự).

Để đảm bảo tính công bằng, cạnh tranh và minh bạch trong hoạt động MSCP trong TPP, Chương này cũng đưa ra các nguyên tắc cơ bản, chặt chẽ mà các quốc gia thành viên phải tuân thủ, gồm: đối xử quốc gia và không phân biệt đối xử; không được ưu đãi hàng hóa, dịch vụ hay nhà thầu nội; khuyến khích đấu thầu qua mạng. Ba hình thức lựa chọn nhà thầu được khuyến khích áp dụng trong MSCP là đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu. Ông Tuấn nhấn mạnh: “MSCP trong TPP khuyến khích, đề cao hình thức lựa chọn nhà thầu đấu thầu rộng rãi. Còn hình thức lựa chọn nhà thầu chỉ định thầu chỉ được phép áp dụng trong những trường hợp rất đặc biệt theo quy định và luôn phải báo cáo, giải trình lý do áp dụng”.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nước có trình độ thấp hơn trong việc thực hiện các cam kết về MSCP trong TPP, Hiệp định cũng quy định những biện pháp áp dụng cho các nước thành viên thuộc diện đang phát triển, chỉ áp dụng trong một thời gian chuyển đổi nhất định, bao gồm những ưu đãi và trì hoãn nghĩa vụ.

Cũng tại Hội thảo, ông Mai Lâm, chuyên gia tư vấn Dự án USAID chỉ rõ sự khác biệt giữa Chương MSCP trong TPP với pháp luật đấu thầu của Việt Nam. Hội thảo cũng dành thời gian lắng nghe chuyên gia tư vấn quốc tế Jean Heilman Griter chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong MSCP của Australia, Malaysia, Peru, Hoa Kỳ… Và để triển khai hiệu quả Chương MSCP của TPP, đại diện tư vấn của USAID khuyến nghị, Việt Nam cần phải nâng cao nhận thức xã hội về Hiệp định, nhất là Chương MSCP; xây dựng khung pháp lý hướng dẫn; hỗ trợ cơ quan mua sắm; hỗ trợ nhà thầu; chuẩn bị các điều kiện cần thiết.

Mặt khác, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho rằng: Điều khó khăn nhất khi triển khai các cam kết về MSCP trong TPP của Việt Nam không phải là vấn đề kỹ thuật để hiểu quy định của TPP, mà là các cơ quan quản lý nhà nước phải vượt qua chính mình để nâng cao tính minh bạch trong hoạt động MSCP. Đáng buồn là hiện vẫn còn thực tế nhiều cơ quan nhà nước tổ chức đấu thầu lại chưa muốn minh bạch, công khai thông tin. Trong khi đó, để thực thi hiệu quả cam kết, thì minh bạch thông tin lại là ưu thế giá trị nhất sẽ mang lại cho Việt Nam.

Cam kết về mua sắm công trong TPP: Sẽ có nhiều bỡ ngỡ ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu
Minh bạch vừa là thách thức vừa là cơ hội lớn nhất

Tôi xin kể một chuyện không biết vui hay buồn là trong một lần chúng tôi thực hiện khảo sát lấy ý kiến về việc tham gia Hiệp định TPP, trong đó có hai phần (cấp trung ương, địa phương). Ở cấp trung ương, các bộ rất hào hứng đồng ý tham gia, nhưng họ chỉ tích đồng ý vào phần mở cửa ở cấp địa phương và ngược lại.

Do vậy, tính minh bạch vừa là thách thức lớn nhất nhưng cũng là cơ hội lớn nhất trong Chương MSCP của Hiệp định TPP. Việc kêu gọi sự minh bạch của các chủ đầu tư không dễ, song nếu chúng ta đẩy mạnh triển khai ứng dụng đấu thầu qua mạng sẽ mở ra một cơ hội mới đối với hoạt động này. Sắp tới, chúng ta sẽ phải nội luật hóa những hướng dẫn MSCP trong Hiệp định TPP thành một nghị định để thực thi cam kết quốc tế, trong đó đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng.

Cam kết về mua sắm công trong TPP: Sẽ có nhiều bỡ ngỡ ảnh 2
Ông Vũ Vân Hưng, Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế
Thách thức về nhân lực khi ngành y tế sẽ là đơn vị mở cửa nhiều nhất

Mặc dù đến thời điểm này, Việt Nam chưa ký kết chính thức Hiệp định TPP, tuy nhiên, theo như lộ trình triển khai MSCP trong TPP, ngành y tế sẽ là đơn vị mở cửa nhiều nhất. Đây là áp lực vô cùng lớn đối với ngành, nhất là trong việc quản lý về chất lượng và giá thuốc, nếu không tính toán kỹ sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Với lộ trình vạch ra, Việt Nam có 4 đơn vị (Thông tấn xã Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ) và 34 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế sẽ là những đơn vị đầu tiên triển khai cam kết ngay khi TPP có hiệu lực.

Vấn đề hiện nay là việc tiếp cận thông tin cần rõ ràng hơn từ các chủ thể mua sắm. Đơn cử như trong hoạt động đấu thầu thuốc rất nhạy cảm, rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng nhưng ít khi cán bộ phụ trách công tác này lại đi học về đấu thầu, vì thế nhiều khi họ hỏi những câu hỏi rất ngô nghê. Tôi mong rằng, thời gian tới, đặc biệt là triển khai hiệu quả các cam kết MSCP của ngành rất cần sự hỗ trợ thông tin từ các cơ quan phụ trách về hoạt động này. Cụ thể là sẽ tổ chức hội nghị có sự tham gia của tất cả các chủ thể mua sắm để trao đổi cụ thể các thông tin cần thiết, đồng thời mở thêm các khóa đào tạo đối với các đối tượng liên quan.

Cam kết về mua sắm công trong TPP: Sẽ có nhiều bỡ ngỡ ảnh 3
Ông Michael Trueblood, Giám đốc Phòng Kinh tế và Quản trị nhà nước thuộc USAID Việt Nam
Cần xác định khoảng trống pháp lý hoặc những sự khác biệt

Hiện nay, thông qua Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của USAID, chúng tôi đang có những hỗ trợ cho nỗ lực cải cách của Việt Nam về chính sách mua sắm công, trong đó bao gồm xây dựng các quy định thực thi Luật Đấu thầu và hướng dẫn quy trình cấp giấy chứng nhận quốc tế, đào tạo quản lý hệ thống đấu thầu qua mạng… Trong khuôn khổ Hiệp định TPP, chúng tôi sẽ cam kết hợp tác mạnh mẽ với Việt Nam, trong đó có việc nâng cao tính minh bạch hoạt động MSCP để đảm bảo thực thi Hiệp định thuận lợi.

Theo đó, chúng tôi mong chờ nhận được tất cả các ý kiến đóng góp để xác định được những khoảng trống pháp lý hoặc những sự khác biệt giữa pháp luật về đấu thầu của Việt Nam và các cam kết trong Chương MSCP của TPP.

Chuyên đề