Bộ trưởng Tư pháp: Không rút, hoãn, nợ đọng VBQPPL

Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quyết tâm thực hiện các chương trình xây dựng VBQPPL, không để xảy ra tình trạng xin rút, hoãn hay nợ đọng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. Ảnh: VGP

Cải cách vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động, tích cực của một số bộ, cơ quan, địa phương, môi trường đầu tư, kinh doanh và các chính sách an sinh xã hội đã được cải thiện, tác động tích cực đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp (DN).

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, các bộ, cơ quan, địa phương đã thực hiện rà soát, tháo gỡ vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội trên tinh thần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ trong việc quyết tâm bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với mục tiêu cắt bỏ ít nhất từ 1/3-1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính (TTHC) đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của DN.

Kết quả rà soát cho thấy, có 4 nhóm vướng mắc, bất cập về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội.

Có 17 luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, an sinh xã hội cần được ban hành văn bản quy định chi tiết, gồm: 21 văn bản quy định chi tiết 7 luật liên quan đến an sinh xã hội; 37 văn bản quy định chi tiết 10 luật, nghị quyết liên quan đến đầu tư kinh doanh. Tính đến ngày 20/12/2017 còn 17/28 văn bản quy định chi tiết các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh và 10/21 văn bản quy định chi tiết các luật liên quan đến an sinh xã hội chưa được ban hành.

Pháp luật về đầu tư, kinh doanh còn có một số quy định chồng chéo, chưa đồng bộ, còn thiếu nhất quán, trong đó có các luật liên quan trực tiếp như Luật Cạnh tranh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường, Bộ luật Lao động.

Đối với các vướng mắc, bất cập của các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, có 7 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Hiện nay, tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh tương ứng với 243 ngành nghề là khoảng 4.284 yêu cầu, điều kiện.

Một số điều kiện đầu tư kinh doanh chưa hợp lý đã làm hạn chế cơ hội gia nhập thị trường, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, năng suất lao động của DN, tạo kẽ hở cho các hành vi nhũng nhiễu. Yêu cầu đặt ra là cần xem xét cắt giảm, vừa bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho DN, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, nhất là đối với những ngành nghề đặc thù.

Về các vướng mắc, bất cập về TTHC, theo đánh giá chung, TTHC vẫn là rào cản lớn đối với các hoạt động đầu tư kinh doanh. Cải cách TTHC vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân, DN. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giải quyết TTHC có trình độ, năng lực còn hạn chế; còn gây phiền hà, nhũng nhiễu. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (khoản 4 Điều 14) đã quy định rõ về việc cấm quy định TTHC trong thông tư hoặc văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của địa phương, trừ trường hợp được Luật giao. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, nhưng trên thực tế, một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng duy trì những quy định không hợp lý, hoặc tự đặt thêm thủ tục.

Nhận diện một số vướng mắc, bất cập liên quan đến thi hành pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, an sinh xã hội còn bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường.

Việc thi hành pháp luật chưa nghiêm, làm phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cho người dân, DN. Một số cán bộ, công chức hiểu và vận dụng quy định pháp luật chưa đúng, còn có biểu hiện lợi dụng một số quy định chưa rõ của pháp luật để gây khó khăn cho DN. Hoạt động theo dõi thi hành pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế; việc phản ứng chính sách thông qua theo dõi tình hình thi hành pháp luật vẫn còn chậm, thụ động.

Còn 33 luật cần sửa đổi

Về kết quả tháo gỡ vướng mắc, bất cập, Bộ Tư pháp đã xác định có 33 luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư, kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy hoạch thuộc phạm vi quản lý của 11 bộ, cơ quan ngang bộ cần sửa đổi, bổ sung. Đến nay, có 31/33 luật đã được lập đề nghị sửa đổi và được Chính phủ thông qua tại Phiên họp tháng 11 và Phiên họp tháng 12/2017. Bộ KH&CN đề nghị chưa sửa đổi, bổ sung đối với 2 luật còn lại (Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa).

Theo Quyết định số 1078/QĐ-TTg, trong năm 2017, các bộ, cơ quan ngang bộ phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, hoặc ban hành theo thẩm quyền 19 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 14 thông tư nhằm tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh. Đến nay, 17/19 nghị định, 1/1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã được trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 7/14 thông tư đã được ban hành.

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 được điều chỉnh. Tổng số dự án mà các bộ, cơ quan ngang bộ cần phối hợp chỉnh lý, trình mới trong năm 2017 là 29 dự án. Đến nay, Quốc hội đã thông qua 20 luật, nghị quyết và cho ý kiến 9 dự án luật. Trong số này, có 5 luật, nghị quyết liên quan trực tiếp đến môi trường đầu tư, kinh doanh (Luật hỗ trợ DN vừa và nhỏ, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Cạnh tranh (sửa đổi)) và 1 luật liên quan trực tiếp đến chính sách an sinh xã hội (Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)).

Về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho hay: Nhiều bộ, ngành đã chủ động rà soát, lên kế hoạch cải cách điều kiện đầu tư, kinh doanh, theo hướng tạo thuận lợi cho DN.

Chẳng hạn, Bộ Công Thương đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa khoảng 55,5% tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh. Bộ Xây dựng đã rà soát, đề xuất bãi bỏ 5 ngành, nghề không thuộc Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư; rà soát, dự kiến đề xuất bãi bỏ khoảng 41,3%; đơn giản hóa 43,7%; giữ nguyên 15% tổng số điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.

Bộ NN&PTNT đề xuất bãi bỏ, sửa đổi theo hướng rút gọn 118 điều kiện (32,4%) trong tổng số khoảng 345 điều kiện, thuộc 33 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ xem xét đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN, trong đó, tiếp tục đề xuất bãi bỏ 20 ngành, nghề không cần thiết.

Từ ngày 1/7/2015 (ngày Luật Đầu tư có hiệu lực) đến nay, Bộ Tư pháp đã phát hiện và kiến nghị xử lý 31 văn bản có quy định không phù hợp về điều kiện đầu tư kinh doanh. Riêng năm 2017 phát hiện, kiến nghị xử lý 6 văn bản. Đến nay các bộ, ngành, địa phương đã xử lý 26/31 văn bản; còn 5 văn bản chưa được xử lý.

Bên cạnh đó, việc cắt giảm TTHC đã được các bộ, cơ quan đã trình Chính phủ xem xét, thông qua 16 nghị quyết về việc đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Cải cách TTHC tiếp tục được triển khai quyết liệt theo hướng đơn giản hóa, giảm thời gian làm thủ tục, nhất là trong lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan, BHXH, BHYT. Nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tại nhiều địa phương, thời gian giải quyết các TTHC được rút ngắn đáng kể so với quy định tại VBQPPL.

Năm 2017 được xác định là năm cắt giảm chi phí cho DN. Trên cơ sở chỉ đạo tại Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 9/8/2017, các bộ, cơ quan, địa phương, ngoài việc rà soát, cắt giảm chi phí trực tiếp cho DN còn thực hiện rút ngắn thời gian thực hiện TTHC liên quan đến DN.

Lắng nghe, tháo gỡ các vướng mắc với thái độ cầu thị

Đối với công tác thi hành pháp luật, tổ chức diễn đàn, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho DN đã được các bộ, ngành tích cực thực hiện. Theo đó, nhiều diễn đàn, hội nghị đối thoại với DN đã được tổ chức như Hội nghị Thủ tướng với DN (tháng 5/2017), Tọa đàm đối thoại chính sách với một số tập đoàn kinh tế tư nhân (tháng 9/2017), Diễn đàn DN Việt Nam (VBF), Diễn đàn phát triển Việt Nam (VDF), Diễn đàn hội nhập quốc tế Việt Nam (tháng 12/2017)… Kết quả là nhiều vướng mắc, khó khăn của DN đã được các cơ quan Nhà nước lắng nghe, tháo gỡ với thái độ cầu thị.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, có thể thấy tình hình thi hành pháp luật của bộ, cơ quan, địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác theo dõi thi hành pháp luật được chú trọng, gắn với các sự kiện, các “điểm nóng” được dư luận quan tâm và tập trung vào lĩnh vực hỗ trợ DN khởi nghiệp. Hỗ trợ pháp lý cho DN được triển khai thường xuyên, đồng bộ với nhiều sáng tạo như “Cà phê doanh nhân”, “Bác sĩ DN”, Chương trình 585…

Tại hội nghị này, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục xác định xây dựng thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; dành nhiều ưu tiên cho việc đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, 2019; Chương trình xây dựng VBQPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ năm 2018 để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các VBQPPL để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đã phát hiện.

Chỉ đạo các bộ, ngành quyết tâm thực hiện các chương trình xây dựng VBQPPL, không để xảy ra tình trạng xin rút, hoãn hay nợ đọng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; tập trung triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho DN.

Chuyên đề