Bảo đảm dự thầu không do ngân hàng phát hành

(BĐT) - Đối với trường hợp quy định bảo đảm dự thầu theo hình thức nộp thư bảo lãnh thì thư bảo lãnh phải được đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam ký tên với giá trị và thời hạn hiệu lực, đơn vị thụ hưởng theo yêu cầu của HSMT.
Bảo đảm dự thầu không do ngân hàng phát hành

Hỏi: Bên mời thầu X đang tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước một gói thầu mua sắm hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu. Đối với nội dung bảo đảm dự thầu, đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ mời thầu (HSMT) đề xuất quy định trong chỉ dẫn nhà thầu như sau:

“Trường hợp thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu bằng hình thức thư bảo lãnh, nhà thầu phải nộp cùng hồ sơ dự thầu (HSDT) bảo lãnh dự thầu do một ngân hàng phát hành với giá trị và thời gian có hiệu lực như quy định tại Bảng dữ liệu đấu thầu. Bảo đảm dự thầu phải do một ngân hàng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam phát hành…”.

Hỏi: Nội dung yêu cầu về bảo đảm dự thầu như trên có phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu không? 

Trả lời: Điểm d, Khoản 2, Điều 18 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (NĐ63) quy định HSDT hợp lệ phải có bảo đảm dự thầu với giá trị và thời hạn hiệu lực đáp ứng yêu cầu của HSMT. Đối với trường hợp quy định bảo đảm dự thầu theo hình thức nộp thư bảo lãnh thì thư bảo lãnh phải được đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam ký tên với giá trị và thời hạn hiệu lực, đơn vị thụ hưởng theo yêu cầu của HSMT.

Như vậy, theo quy định nêu trên của NĐ63 thì bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam đều sẽ được xem xét. Nội dung này của NĐ63 cũng phù hợp với quy định nêu tại Khoản 18 và Khoản 1 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng. Cụ thể, Khoản 18 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng quy định: Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, theo đó, tổ chức tín dụng cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc tổ chức tín dụng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho tổ chức tín dụng theo thỏa thuận. Còn Khoản 1 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng quy định: Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.

Căn cứ quy định của NĐ63 và Luật Các tổ chức tín dụng, các Mẫu HSMT gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 06/5/2015 và Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/6/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều đã hướng dẫn hình thức bảo đảm dự thầu quy định trong HSMT có thể là thư bảo lãnh của ngân hàng hoặc của tổ chức tín dụng. Như vậy, cần hiểu là khi nhà thầu thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu bằng thư bảo lãnh thì thư đó có thể do ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng không phải ngân hàng hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng phát hành.

Đối với trường hợp nêu trên, việc HSMT quy định nếu nhà thầu thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu bằng hình thức thư bảo lãnh thì thư bảo lãnh phải do ngân hàng phát hành là quá khắt khe và có thể dẫn tới hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, không phù hợp với quy định nêu tại Khoản 2 Điều 23 NĐ63 cũng như các quy định vừa phân tích ở trên. Theo đó, nội dung này cần được sửa lại theo hướng dẫn tại Mẫu HSMT tương ứng cho phù hợp.

Chuyên đề