Bán thầu, trục lợi hàng tỷ đồng tại Tổng công ty Xây dựng đường thủy

(BĐT) - Ngày 27/7, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử 8 bị cáo trong Vụ án đưa, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến Dự án Nạo vét luồng hàng hải Hòn Gai - Cái Lân năm 2013. 
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Nội dung Vụ án đã cho thấy những góc khuất trong đấu thầu khi thầu phụ chấp nhận thi công Dự án với giá chỉ bằng một nửa giá trúng thầu, nửa còn lại sử dụng để hối lộ nhà thầu chính.

Dự án Nạo vét luồng Hòn Gai - Cái Lân là 1 trong 3 công trình nạo vét, duy tu luồng hàng hải lớn nhất trong năm 2013 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Đây là công trình duy tu hàng năm, sử dụng vốn ngân sách nhà nước do Cục Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư.

Theo Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ngày 17/1/2013, Bộ GTVT có Quyết định phê duyệt kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải năm 2013, trong đó có việc duy tu, nạo vét luồng hàng hải Hòn Gai - Cái Lân. Triển khai thực hiện Quyết định này, ngày 1/8/2013, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc đã ra thông báo mời thầu.

Sau khi trúng thầu, để thực hiện khối lượng thi công nhận được. Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco) giao Phòng Kế hoạch thị trường (do bị cáo Phạm Đình Hòa khi đó làm Trưởng phòng) chủ trì, cùng với sự tham gia phối hợp của Phòng Quản lý dự án và Ban Điều hành các dự án nạo vét phía Bắc (do bị cáo Hồ Thành Nghĩa khi đó làm Giám đốc) để đàm phán và tham mưu cho Lãnh đạo Vinawaco ký các hợp đồng thuê thiết bị thi công.

Từ việc ký hợp đồng với nhà thầu phụ đã phát sinh sai phạm như đưa, nhận hối lộ, lừa đảo, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Thi công nửa giá trúng thầu, nửa còn lại đưa hối lộ

Ngày 3/12/2013, Công ty Tân Việt ký Hợp đồng kinh tế số 332/2013/HĐKT/VINAWACO-TVI với Ban Điều hành các dự án nạo vét phía Bắc thuộc Vinawaco để thực hiện nạo vét từ mặt cắt 375 đến mặt cắt 383.

Khối lượng nạo vét là hơn 22.300m3 (khối lượng chặt), thành tiền là hơn 4,6 tỷ đồng. Để ký được hợp đồng này, Trịnh Văn Thắng (Giám đốc Công ty Tân Việt) và Vũ Thanh Huyền (Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Việt) đã trực tiếp gặp, đàm phán, thỏa thuận khoản hối lộ với Giám đốc Ban Điều hành các dự án nạo vét phía bắc Hồ Thành Nghĩa và Trưởng phòng Phòng Kế hoạch thị trường Vinawaco Phạm Đình Hòa.

Theo đó, Công ty Tân Việt sẽ thực hiện việc thi công, nhưng chỉ được hưởng 50% đơn giá theo giá trúng thầu của chủ đầu tư ký với nhà thầu chính. Số tiền 50% còn lại, Công ty Tân Việt sẽ phải chuyển lại cho Hồ Thành Nghĩa và Phạm Đình Hòa.

Tiền hối lộ đi đâu?

Trong phần thẩm vấn tại phiên tòa ngày 27/7, bị cáo Phạm Đình Hòa chỉ thừa nhận đã cầm 800 triệu đồng của Công ty Tân Việt, lời khai ban đầu tại cơ quan điều tra bị cáo đã thừa nhận số tiền 1,2 tỷ đồng là nhớ... nhầm sang khoản khác.

Khoản tiền tỷ nhận được từ các nhà thầu phụ, bị cáo Phạm Đình Hòa khai rằng đã sử dụng để đi “cám ơn” những người khác. Bị cáo Hòa khai đã đưa cho Tổng giám đốc của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc hàng tỷ đồng và đưa cho nhiều cá nhân khác để duy trì quan hệ.

Về thỏa thuận nhà thầu phụ chỉ được 50% đơn giá trúng thầu, bị cáo Phạm Đình Hòa khai rằng, khi gặp gỡ Công ty Tân Việt do không biết năng lực của Tân Việt thế nào nên đưa ra mức 50% đơn giá để thử xem công ty này có làm được không. Bị cáo Hòa cho rằng, đây là nghiệp vụ thông thường khi tham gia đấu thầu, chỉ mang tính chất thăm dò đơn giá để từ đó xây dựng tính toán chi phí lợi nhuận tham mưu, báo cáo lãnh đạo Vinawaco, lập hồ sơ dự thầu.

Theo thỏa thuận này, sau khi được Vinawaco thanh toán số tiền 3,75 tỷ đồng (còn nợ hơn 800 triệu đồng), Trịnh Văn Thắng và Vũ Thanh Huyền đã đưa hối lộ cho Hồ Thành Nghĩa số tiền 1,2 tỷ đồng. Nghĩa giữ lại 100 triệu đồng và đưa cho Phạm Đình Hòa 1,1 tỷ đồng.

Quá trình thi công, Công ty Tân Việt đã vi phạm quy định về đổ bùn thải và bị phóng viên của một tờ báo phát hiện. Khi Giám đốc và Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Việt gặp phóng viên này để đưa hối lộ 20 triệu đồng thì đã bị cơ quan công an bắt quả tang.

Chi thưởng tự nguyện 1,4 tỷ đồng

Cũng để thi công Dự án, Vinawaco còn ký hợp đồng với Công ty Bảo Quân. Tuy nhiên, Bảo Quân không thực hiện hợp đồng mà ký tiếp Hợp đồng kinh tế số 330A/HĐKT/BQ-TVI ngày 21/11/2013 với Công ty Tân Việt về việc thuê Tân Việt thi công và thỏa thuận với Tân Việt là Bảo Quân giữ lại 6% chi phí quản lý.

Sau khi Tân Việt thực hiện thi công nạo vét, được nghiệm thu, hoàn công, Bảo Quân đã thanh toán cho Tân Việt số tiền hơn 8,1 tỷ đồng (còn nợ 1,2 tỷ đồng) từ nguồn tiền do Vinawaco thanh toán cho Bảo Quân. Tân Việt đã chuyển lại vào tài khoản của Bảo Quân số tiền gần 3 tỷ đồng. Bảo Quân đã chi 1,4 tỷ đồng cho  Trưởng phòng Phòng Kế hoạch thị trường Phạm Đình Hòa.

Số tiền này, cơ quan công tố cho rằng, đây là quan hệ cá nhân, không phải hối lộ. Việc Công ty Bảo Quân ký được hợp đồng với Vinawaco, Phạm Đình Hòa không có vai trò quyết định. Ông Bùi Xuân Trung, Giám đốc Công ty Bảo Quân khai, việc đưa số tiền trên cho Phạm Đình Hòa là vì lý do “chi thưởng” đối với những đóng góp cá nhân của Phạm Đình Hòa đã giúp Bảo Quân trong việc tham gia thi công công trình “một cách tự nguyện”.

Cán bộ giám sát thiếu trách nhiệm

2 lãnh đạo Công ty Tân Việt còn bị truy tố hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cáo buộc, Tân Việt đã tổ chức thi công đổ thải sai vị trí thiết kế Dự án. Sau đó, sử dụng hồ sơ thi công không đúng thực tế để được nghiệm thu, thanh toán khối lượng đổ thải theo thiết kế được duyệt chiếm đoạt của Vinawaco hơn 7,8 tỷ đồng.

Vị trí đổ thải theo yêu cầu là tại khu vực phía Đông Nam quần đảo Long Châu, cự ly vận chuyển cách vị trí nạo vét tại luồng trong là 50km, cách vị trí nạo vét tại luồng ngoài là 43km. Nhưng thực tế, chỉ một số ít chuyến đổ thải đúng vị trí.

Ban quản lý dự án Hàng hải II, đơn vị được giao trách nhiệm giám sát công tác khảo sát mặt bằng và giám sát thi công, đã giao Phòng quản lý dự án 2 thực hiện nhiệm vụ tư vấn giám sát thi công Dự án. Tổ tư vấn giám sát gồm Tổ trưởng Nguyễn Tiến Cường và các thành viên Nguyễn Hoài Nam, Lê Quang Hiệp, Nguyễn Đăng Hiếu đã ban hành quy trình giám sát thi công. Tuy nhiên, do các cán bộ này thiếu trách nhiệm, không làm đúng quy trình giám sát thi công, không hoàn thành nhiệm vụ theo trách nhiệm được phân công nên đã không phát hiện và xử lý được vi phạm nào của Tân Việt mà vẫn xác nhận việc đổ thải của Tân Việt là đúng. 4 thành viên của Tổ tư vấn giám sát bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.               

Chuyên đề