Bài học ứng xử qua vụ Tân Đức

Trước sự việc Công ty TNHH Tango Candy (Nhật Bản) không chịu đóng phí duy tu bảo dưỡng hạ tầng, chủ đầu tư Khu công nghiệp Tân Đức cho dựng rào chắn, đổ đất… trước cổng của công ty này. 
Công nhân Công ty TNHH Tango Candy phải leo rào vào công ty - Ảnh: Thanh Niên
Công nhân Công ty TNHH Tango Candy phải leo rào vào công ty - Ảnh: Thanh Niên

Đến nay, sau ý kiến của UBND tỉnh Long Anh, Khu công nghiệp Tân Đức đã cho người dọn dẹp rào chắn, đất trước hai cổng của Tango Candy. Tuy nhiên, hai bên vẫn tiếp tục có những tranh cãi.

CTCP Đầu tư Tân Đức, một công ty con của CTCP Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (mã ITA, sàn HOSE), là chủ đầu tư Khu công nghiệp Tân Đức, được đưa vào hoạt động từ năm 2005. Thời gian đầu, chủ đầu tư đưa ra chính sách ưu đãi miễn 8 năm và giảm 2 năm tiền phí duy tu cơ sở hạ tầng cho tất cả doanh nghiệp đầu tư ở đây. Từ năm 2013, chủ đầu tư bắt đầu thu phí sử dụng hạ tầng với mức thu 10.018 đồng/m2 mỗi năm. Mức phí này chính là căn nguyên gây ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và doanh nghiệp thuê cơ sở hạ tầng tại khu công nghiệp này.

Trong khi chủ đầu tư cho rằng, mức phí này đã giảm 20% so với mức phí được cơ quan kiểm toán độc lập xác định, thì theo các doanh nghiệp tại đây, mức phí này là quá cao, gần gấp đôi mức trung bình của các khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh.

Sau nhiều tranh cãi và thương lượng, các doanh nghiệp Việt Nam tại đây đã chấp nhận mức phí mà Công ty Tân Đức đưa ra, nhưng một số doanh nghiệp nước ngoài kiên quyết đòi giảm phí.

Công ty Tân Đức cho rằng, họ có quyền quyết định về cách thức và mức thu phí sử dụng, duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng trong Khu công nghiệp Tân Đức. Chủ đầu tư viện dẫn Nghị định 108/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2005. Theo đó, Điều 19.2 quy định: “Nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong khu công nghiệp có quyền định mức phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các công trình dịch vụ khác nhau trong khu công nghiệp và thu phí sử dụng…”. Cho đến khi Tango Candy nợ tới 3 năm phí thì họ có quyền ngừng cung cấp dịch vụ, sau khi có văn bản thông báo.

Trong khi đó, phía Tango Candy cho rằng, mức phí do Công ty Tân Đức đưa ra “không minh bạch vì không ghi giá tiền cụ thể trên hợp đồng ban đầu”.

Mâu thuẫn giữa hai bên lên đỉnh điểm khi Công ty Tân Đức cho đổ đất đá bít cổng chính của Công ty Tango Candy, đồng thời tiến hành cắt nước đối với công ty này.

Theo Luật sư Lê Quang Minh, Trưởng Văn phòng Luật sư Minervas, trong trường hợp này, việc phát sinh và tồn tại tranh chấp hợp đồng giữa các bên đã rõ ràng. Hai bên có hợp đồng cho thuê quyền sử dụng dất, hợp đồng cho thuê nhà xưởng trong khu công nghiệp. Hai bên cũng có thể có hợp đồng riêng về phí duy tu cơ sở hạ tầng.

Thông thường, trong hợp đồng luôn có điều khoản quy định về cách thức giải quyết trong trường hợp có tranh chấp phát sinh, cũng như chấp dứt hợp đồng. Các thức giải quyết tranh chấp thông thường sẽ ưu tiêu các biện pháp hòa giải. Nếu hòa giải không thành, các bên có thể đưa vụ việc tranh chấp ra trọng tài kinh tế hoặc tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Nếu chỉ căn cứ vào những thông tin trên báo chí hiện nay thì không thể bình luận ai đúng, ai sai bởi thiếu cơ sở là các quy định, điều khoản trong hợp đồng để xem xét, đánh giá. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp Công ty Tango Candy là bên đầu tiên vi phạm hợp đồng, thì biện pháp giải quyết theo kiếu “cắt đường đi lại” như của Công ty Tân Đức sẽ không nhận được sự đồng tình, thậm chí kể cả khi cách thức giải quyết tranh chấp này được các bên thỏa thuận ghi rõ trong hợp đồng và không trái với các quy định của pháp luật.

Bên cho thuê hay chủ đầu tư khu công nghiệp có thể giải quyết tranh chấp bằng cách chấm dứt hợp đồng cho thuê theo các thỏa thuận trong hợp đồng. Đồng thời, với các tranh chấp đã phát sinh và chưa được giải quyết trước đó, bên cho thuê có thể yêu cầu trọng tài hay tòa án giải quyết theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, Luật sư Minh bình luận.               

Chuyên đề