Bài học của giới doanh nhân về thượng tôn pháp luật

(BĐT) - Đi qua mỗi đại án, theo dõi các phiên xử, tôi không khỏi nặng trĩu lòng mỗi khi nhìn những doanh nhân từng thành đạt, từng “nói có gang có thép” và có tầm ảnh hưởng đến rất nhiều người nay bơ phờ, mệt mỏi đối diện với cáo buộc của cơ quan tố tụng.

Cách đây ít năm, ngành ngân hàng có một tổng giám đốc nổi tiếng, có trình độ học vấn cao với bằng Thạc sĩ Kinh tế, Tiến sĩ Toán - Lý ở trường đại học nước ngoài. Ngân hàng do ông dẫn dắt cũng là ngân hàng thương mại cổ phần thuộc nhóm hàng đầu trong nước. Nhưng rồi vị tổng giám đốc này vướng vào một đại án lớn của ngành ngân hàng và khi xuất hiện trước Hội đồng xét xử, những người từng biết ông không khỏi cảm thán bởi vẻ gầy gò, tái nhợt, khác hẳn với phong độ ngày nào. Khi phiên tòa tạm dừng để nghỉ trưa, người ta cảm thấy xót xa trước hình ảnh vị CEO năm nào ăn trưa trên băng ghế dài, hai bên có cảnh sát dẫn giải, người nhà chỉ được ngồi ở góc xa trong phòng xử rộng mênh mông tranh thủ hỏi thăm sức khỏe của ông.

Có nhiều nội dung phức tạp trong vụ án này. Nhưng từ khi xảy ra vụ án đến nay, giới doanh nhân đã phải đánh giá lại rủi ro pháp lý. Luật sư Trần Minh Hải, Công ty Luật BASICO nhận xét rằng, rủi ro pháp lý là rủi ro khó chống đỡ, đặc biệt khi thiệt hại xảy ra. Trên thực tế kinh doanh, rất nhiều trường hợp, để gia tăng lợi nhuận, để đi trước đối thủ, doanh nghiệp tìm cách “lách” luật. Khi nói lời sau cùng, vị CEO ngân hàng này cảm thán: “Tôi không oán trách bất kỳ ai, nếu có trách, tôi chỉ trách chính mình”. 

Ở những phiên tòa, khi đối mặt với bản án dài đằng đẵng, đối mặt với hiện thực mất trắng từ tài sản đến uy tín, danh dự, nhiều cựu doanh nhân không cầm được nước mắt. Tôi vẫn còn nhớ phiên tòa xét xử bà Nguyễn Hồng Anh (Lisa Nguyễn) nguyên là Tổng giám đốc Công ty CP Container quốc tế CAS (Công ty Cascon). Bà Nguyễn Hồng Anh là một doanh nhân có tiếng, Công ty Cascon từng là công ty con của Vinashin và có quan hệ tín dụng với Công ty Tài chính Công nghiệp tàu thủy (VFC).

Tại các phiên tòa, bà Hồng Anh nhiều lần nói rằng hoàn toàn không có ý định “trốn nợ” của VFC. Giai đoạn vận tải biển phát triển mạnh, việc sản xuất và bán container của Cascon phát triển mạnh. Sau đó, xảy ra khủng hoảng tài chính thế giới, Công ty gặp khó khăn và bà Hồng Anh đã đề nghị cho bán tài sản thế chấp là các container. Container bán được rồi, tiền thu về nhưng trước sức ép của nhà thầu cũng thuộc Vinashin, bà đã phải thanh toán cho nhà thầu trước và dự định thanh toán cho VFC sau đó.

Bà Nguyễn Hồng Anh bật khóc và trình bày rằng, nếu như bà được tại ngoại thì đã có khả năng khắc phục mọi việc, rằng việc khắc phục thiệt hại và yêu cầu tại ngoại của bà đã không được giải quyết thỏa đáng. Ở trong trại tạm giam, bà không biết ngoài kia sự việc tiến triển đến đâu và những tài sản của cá nhân bà giờ ra sao.

Gần đây nhất, Tòa án cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra ở Chi nhánh Nam Hà Nội của Agribank. Số thiệt hại được xác định lên đến gần 2.500 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là cựu Tổng giám đốc ngân hàng này, ông Phạm Thanh Tân đã phải trả lời về những thiệt hại này trước Tòa án. Cựu Tổng giám đốc ngậm ngùi: “Tôi là người được rèn luyện, đào tạo và đóng góp rất lớn, tôi chẳng bao giờ quan tâm đến thành tích cả. Cái được lớn nhất của tôi là sự ghi nhận của hàng chục ngàn cán bộ. Lời xin lỗi có lẽ muộn rồi. Tâm nguyện của tôi sau này là hoàn thiện những cái gì mà họ (ngân hàng) còn thiếu sót”.

Ngày xuân, điểm lại những câu chuyện này để nhắc nhở nhau, làm gì cũng không được vượt quá giới hạn và mỗi doanh nhân cần có cái đầu lạnh, kìm chế trái tim nhiệt huyết để tránh đi vào vòng lao lý.
Trong giai đoạn thẩm vấn cũng như tranh luận, ông Phạm Thanh Tân nhiều lần đề cập đến cơ chế nâng quyền phán quyết của ngân hàng. Theo lời trình bày của ông Tân trước Tòa, ngay sau khi nhậm chức Tổng giám đốc, ông Tân đã cho rà soát, kiểm tra và có báo cáo về việc nâng quyền phán quyết cho vay và đề nghị thay đổi mô hình cho vay nhưng không được chấp nhận. Ông Tân cho rằng hậu quả cho vay là tất yếu từ năm 2009 đến nay.

Ông Phạm Thanh Tân cũng cho rằng đã làm đúng quyền hạn, chức trách của Tổng giám đốc. Theo đó, Tổng giám đốc có quyền điều hành ngân hàng, được phép điều động vốn toàn hệ thống khi có nhu cầu vốn ở chi nhánh. Vốn mà bị cáo ký duyệt cho Chi nhánh Nam Hà Nội là vốn tạm thời, không phải vốn cân đối trong kế hoạch. Thời điểm đó, Ngân hàng đang dư thừa rất nhiều USD và Phạm Thanh Tân cho rằng Tổng giám đốc có quyền điều hành, cân đối giữa nơi thừa và nơi thiếu. Vị cựu Tổng giám đốc ngân hàng này đã giải quyết 50 triệu USD trong số dư thừa này, số còn lại là tài trợ thương mại.

Bất kể thế nào thì không thể phủ nhận thực tế là ông Phạm Thanh Tân đã nhận quà cảm ơn từ cấp dưới lên tới hàng tỷ đồng. Và dù có lý giải thế nào thì không ai có thể tin rằng khoản tiền vài tỷ đồng mà nhiều người kiếm cả đời không ra lại chỉ là món quà đơn giản như người ta tặng nhau bó hoa.

Với nhiều người, việc được ngồi vào vị trí điều hành cao nhất của một doanh nghiệp quy mô lớn của cả nước là thành tựu phấn đấu cả đời. Nhưng khi có những quyết định hoặc hành vi gây thiệt hại thì không tránh khỏi trách nhiệm. Khi đó, mọi sự trở thành câu chuyện buồn...

Ngày xuân, điểm lại những câu chuyện này để nhắc nhở nhau, làm gì cũng không được vượt quá giới hạn và mỗi doanh nhân cần có cái đầu lạnh kìm chế trái tim nhiệt huyết để tránh đi vào vòng lao lý. Và điều đó cũng không chỉ dành riêng cho các doanh nhân, mà cho tất cả chúng ta - những người luôn trân trọng giá trị bản thân, gia đình, cuộc sống.

Chuyên đề