Ông Trump vẫn chưa từ bỏ thương trường dù đã nhậm chức?

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tách biệt hoàn toàn khỏi đế chế kinh doanh đồ sộ của ông từ sau khi nhậm chức nhưng theo phân tích của CBS tỷ phú New York dường như vẫn chưa “rút hẳn chân” khỏi thương trường.
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Theo ghi nhận từ phóng viên Anna Werner của đài CBS, ít nhất 15 sân golf vẫn đang nằm trong đế chế kinh doanh khổng lồ của Tổng thống Trump trên toàn thế giới. Và ngay cả khi đã bước chân vào Nhà Trắng, ông Trump vẫn đang nắm giữ vị trí mà có thể giúp ông hái ra tiền từ các dự án này, trong đó có một sân golf dự kiến khai trương trong tháng 2 ở Dubai.

Trong một vài tuần tới, một sân golf 18 lỗ ở Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất sẽ chính thức đi vào hoạt động và chào đón các tay golf. Đây cũng là dự án lớn đầu tiên của tỷ phú Trump được ra mắt công chúng kể từ khi nhà tài phiệt này nhậm chức tổng thống Mỹ.

Vào thời điểm trước khi cử hành lễ nhậm chức, ông Trump từng tuyên bố sẽ tách biệt hoàn toàn giữa chính trường và thương trường, đồng thời chuyển giao toàn bộ công việc kinh doanh cho hai con trai lớn. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực “rút chân” khỏi thương trường của tân tổng thống, tên của ông vẫn hiện diện trong hồ sơ của nhiều công ty và dự án, theo CBS.

Chẳng hạn, tỷ phú Trump trước đây từng sở hữu ít nhất 4 tập đoàn mà trong tên gọi có chữ “Dubai”, nhưng cho đến nay, ngay cả khi ông đã trở thành tổng thống Mỹ, các hồ sơ quản lý của 4 tập đoàn này đều chưa cập nhật thông tin chủ sở hữu mới. Ít nhất trong hồ sơ của một tập đoàn vẫn đề tên ông Trump là chủ tịch.

Để chứng minh những nỗ lực của Tổng thống Trump trong việc thực hiện cam kết từ bỏ thương trường, Tập đoàn Trump đã công bố một tài liệu, trong đó chỉ rõ rằng ông chủ Nhà Trắng đã rút lui khỏi hơn 400 thực thể. Ngoài ra, các báo cáo công khai cũng cho thấy ít nhất hai dự án bất động sản tại New York đã được ông Trump chuyển cho con trai cả là Donald J. Trump. Tuy nhiên, vẫn còn một bất động sản nữa nằm trong diện nghi vấn.

Chính quyền liên bang, hiện do Tổng thống Trump điều hành, lại chính là chủ sở hữu của Khách sạn Quốc tế Trump. Trước đây, khách sạn này là một bưu điện cũ kỹ nằm cách Nhà Trắng ở thủ đô Washington vài tòa nhà, sau đó ông Trump thuê lại từ chính quyền liên bang và trùng tu thành khách sạn cao cấp, trước khi chính thức mở cửa từ tháng 9/2016.

Do trong hợp đồng ghi cụ thể rằng một quan chức chính phủ không được trở thành một bên thuê bất động sản trên nên các hồ sơ mới do Tập đoàn Trump và chính quyền bang Washington cung cấp đều đã thể hiện thông tin về việc chuyển giao quyền quản lý khách sạn từ ông Trump sang con trai cả. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng khách sạn này bị biến thành “sân sau” của tổng thống.

Khách sạn Quốc tế Trump (Ảnh: Getty)

“Đây mới chỉ là những bước đi rất nhỏ trong một lộ trình hợp lệ rằng tổng thống phải chuyển giao trách nhiệm quản lý cho các con trai. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ tổng thống vẫn có thể kiểm soát kết quả của các hoạt động kinh doanh”, ông Steven Schooner, giảng viên Trường Luật thuộc Đại học George Washington, nhận định.

Theo ông Schooner, việc Tổng thống Trump vẫn sở hữu một số tài sản như sân golf và khách sạn có thể tạo cơ hội cho bất kỳ ai muốn tiếp cận và tạo ảnh hưởng với ông bằng cách mua thẻ thành viên sân golf hay chọn khách sạn của Tập đoàn Trump để tổ chức các sự kiện lớn.

“Một trong những điều đáng lo ngại nhất đó là việc một nhân vật nào đó, có thể là chính phủ nước ngoài, một người có ý định vận động hành lang, hay một nhóm lợi ích đặc biệt, muốn rót tiền vào túi của tổng thống hay gia đình tổng thống thông qua việc thuê các khách sạn”, ông Schooner nhận định.

Đại diện của tân tổng thống hiện vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về những thông tin nêu trên. Trong khi đó, ông Trump hiện đang vướng vào cuộc chiến pháp lý liên quan đến sắc lệnh hạn chế người nhập cư do ông ban hành hồi tháng trước.

Chuyên đề