Ông Trầm Bê lĩnh 4 năm tù

Các bị cáo được đưa vào phòng xử lúc 9h hôm nay, riêng ông Danh và Trầm Bê vẫn ở khu vực chăm sóc y tế do sức khỏe yếu.

11h30 ngày 6/8, TAND TP HCM tuyên phạt ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tổng hợp với 30 năm tù ông Danh phải nhận tại giai đoạn một của vụ án (thiệt hại 9.000 tỷ), cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB phải nhận 30 năm tù - mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn.

Theo HĐXX, hồ sơ vụ án đủ căn cứ xác định ông Danh và đồng phạm gây thiệt hại cho VNCB thông qua hàng loạt sai phạm. Trong đó, bị cáo Danh có vai trò chủ mưu, vì lợi ích của công ty mình đã chỉ đạo đồng phạm rút trái phép tiền của VNCB, bảo lãnh cho 29 lượt pháp nhân (là các công ty do ông thành lập, hoặc mượn) để làm hồ sơ khống vay Ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank.

"Sai phạm này đã gây thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng cho VNCB, dẫn đến hệ luỵ xấu cho hệ thống ngân hàng... cần áp dụng mức án cao nhất của khung hình phạt mới đảm bảo tính răn đe đối với bị cáo Danh", bản án nêu. Tuy nhiên, tòa cũng xem xét thái độ khai báo thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra của cựu lãnh đạo VNCB, đồng thời tập đoàn Thiên Thanh đã có nhiều đóng góp cho xã hội... nên giảm nhẹ một phần hình phạt cho ông Danh.

Ông Phạm Công Danh trước giờ tuyên án. 

Ông Trầm Bê được trả lại 2 căn nhà

Bị cáo buộc giúp ông Danh gây thiệt hại cho VNCB khoảng 1.800 tỷ đồng trong tổng thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng (phạm vi vụ án này), ông Trầm Bê phải nhận 4 năm tù về cùng tội danh.

HĐXX xác định, ông Bê dù biết Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB không thể vay tiền của VNCB nhưng vẫn chỉ đạo Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) và các chi nhánh giải ngân cho 6 công ty của ông Danh vay.

"Các bị cáo không thẩm định phương án kinh doanh thực tế, dù hồ sơ không đầy đủ nhưng vẫn phê duyệt cho Danh vay, không kiểm tra sau khi cho vay... tạo điều kiện cho Danh dùng tiền của VNCB bảo lãnh vay, gây thiệt hại cho VNCB 1.800 tỷ đồng", bản án nêu.

Đối với 2 bất động sản ở số 591 An Dương Vương (quận Bình Tân) và số 601 Hồng Bàng (Quận 6) là tài sản của ông Trầm Bê, HĐXX cho rằng không liên quan đến vụ án nên sẽ giải tỏa kê biên.

Liên quan vụ án, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) nhận 10 năm tù, tổng hợp hình phạt cũ là 30 năm; Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) 3 năm tù; Mai Hữu Khương (nguyên Thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) lĩnh 10 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 30 năm tù... Các bị cáo còn lại lĩnh từ 2 năm tù (nhưng cho hưởng án treo) đến 4 năm tù.

Thu hồi ít nhất 4.700 tỷ cho VNCB

Quá trình xét xử, đại diện CB (VNCB sau khi được NHNN mua lại với giá 0 đồng) xác nhận số tiền 4.500 tỷ đồng ông Danh dùng tăng vốn điều lệ đã được chuyển về tài khoản của VNCB tại Sở giao dịch NHNN. Sau đó ông Danh chỉ đạo sử dụng hết với tư cách là Chủ tịch HĐQT, chứ không phải tư cách cá nhân như cáo trạng truy tố.

Theo tòa, số tiền này đã được chuyển về VNCB và ngân hàng này đã sử dụng. Tuy Danh và đồng phạm có hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.100 tỷ đồng nhưng ông này đã chuyển trở lại 4.500 tỷ. Từ đó, cần thu hồi khoản tiền này để đảm bảo quyền lợi của các bị cáo, đảm bảo ngân sách nhà nước. "Xem như vụ án đã được khắc phục một phần hậu quả nên tòa xem xét giảm thêm một phần trách nhiệm cho các bị cáo", bản án nêu.

Đối với 194 tỷ đồng ông Danh chuyển cho ông Trần Quý Thanh và bà Trần Ngọc Bích, HĐXX nhận định số tiền này có nguồn gốc từ tang vật của vụ án nên cần được thu hồi, khắc phục hậu quả.

Từ đó, HĐXX tuyên buộc ông Danh bồi thường 202 tỷ đồng liên quan đến khoản vay của Sacombank, 502 tỷ đồng liên quan đến TPBank, 41 tỷ liên quan đến BIDV.

Ngoài ra, tòa cũng buộc BIDV hoàn trả cho VNCB hơn 1.600 tỷ đồng - được xem là tang vật của vụ án. Thu hồi 2 sổ tiết kiệm trị giá 2 tỷ đồng của bị cáo Phạm Hoài Thanh tại TPBank. Buộc bà Hứa Thị Phấn trả lại VNCB 600 tỷ đồng.

Ông Trầm Bê được đưa vào phòng xử sau cùng.

Hơn 6.100 tỷ đồng được vay như thế nào

Theo cáo buộc, quá trình điều hành VNCB (2013-2014), ông Danh cần tiền trả nợ trước đó, tiền duy trì hoạt động và đảm bảo tính thanh khoản của ngân hàng, tăng vốn điều lệ... nhưng không thể trực tiếp vay của ngân hàng do mình làm chủ.

Ông này chỉ đạo Phan Thành Mai (Tổng giám đốc VNCB) và các bị cáo dưới quyền dùng tiền của VNCB đảm bảo cho 29 lượt công ty (do Danh thành lập, hoặc đi mượn) vay hơn 6.100 tỷ đồng tại ngân hàng Sacombank, BIDV và TPBank.

Tháng 4/2013, ông Danh gặp ông Trầm Bê và Phan Huy Khang (Tổng giám đốc Sacombank) đặt vấn đề vay vốn, bảo lãnh bằng tiền của VNCB. Biết rõ Chủ tịch VNCB và đồng phạm làm trái quy định, song ông Bê vẫn đồng ý phê duyệt cho vay với điều kiện "phải có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tiền gửi tại Sacombank". Cả ba thống nhất cho ông Danh vay tối đa 1.800 tỷ đồng và dùng tiền gửi của VNCB tại Sacombank để đảm bảo.

Tương tự, ông Danh dùng các công ty do mình lập ra đặt vấn đề vay của BIDV 4.700 tỷ đồng thông qua ông Đoàn Ánh Sáng và Trần Lục Lang, tiếp tục đảm bảo bằng tiền gửi tại BIDV.

Chủ tịch VNCB mượn pháp nhân các công ty của Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc Công ty cổ phần quản lý quỹ Lộc Việt), Đặng Thị Bích Thủy, Đinh Việt Cường (Giám đốc, phó Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp TPBank) vay của TPBank 1.666 tỷ đồng và sử dụng 1.700 tỷ tiền gửi của VNCB tại nhà băng này đảm bảo.

Vụ án có tổng cộng 46 bị cáo.

Kết quả điều tra xác định tất cả thủ tục vay vốn trên đều là giả tạo để chuyển tiền cho ông Danh sử dụng. Do các công ty của ông Danh không thể trả nợ, 3 nhà băng đã thu hồi tiền cho vay từ tiền gửi của VNCB nên không thiệt hại. Nhưng việc này đã khiến VNCB thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng.

Quá trình điều tra cũng như thẩm vấn tại tòa, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi. Các sai phạm này còn được chứng minh bằng tài liệu chứng cứ, chứng từ có trong hồ sơ. Trả lời thẩm vấn, ông Bê thừa nhận đã thực hiện các hành vi như cáo trạng nêu, nhưng việc cáo buộc "cố ý làm trái" là chưa chính xác.

Ông này khẳng định việc phê duyệt cho các công ty vay tiền là phù hợp với các quy định của pháp luật và giao cho cấp dưới thực hiện theo đúng quy trình. "Nếu tôi có sai phạm là do tôi suy nghĩ đơn giản, thiếu hiểu biết pháp luật, chứ không cố ý biết sai mà vẫn làm", cựu phó Chủ tịch HĐQT Sacombank phân trần.

Về phần mình, ông Phạm Công Danh xin toà không kê biên thi hành án đối với sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) ở giai đoạn một, mà tách tài sản này ra để ông tự giải quyết bằng quan hệ dân sự. Ông cũng xin cơ chế được làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài bởi họ rất mong muốn hợp tác, cùng khai thác sân vận động Chi Lăng.

"Thông qua việc hợp tác khai thác này, số tiền có được bị cáo khẳng định sẽ khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án", ông Danh trình bày.

Trước đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Phạm Công Danh mức án 20 năm tù, tổng hợp với bản án 30 năm ở giai đoạn một của vụ án (thiệt hại 9.000 tỷ đồng), ông Danh phải chấp hành 30 năm (mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn).

Áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ, VKS đề nghị mức án 4-5 năm tù đối với ông Trầm Bê. Các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 3 năm cải tạo không giam giữ đến 14 năm tù.

Về dân sự, VKS giữ nguyên quan điểm như phiên xét xử hồi tháng 1, đề nghị HĐXX thu hồi 6.126 tỷ đồng từ Sacombank, BIDV, TPBank để trả lại cho Ngân hàng CB (tiền thân là VNCB) vì "số tiền này là vật chứng vụ án". Ngoài ra, cơ quan công tố cũng chấp nhận một phần kiến nghị của ông Bê, giải tỏa kê biên căn nhà trên đường An Dương Vương của bà Dương Tú Anh (chị vợ ông Bê).

Trong giai đoạn một của vụ án, ông Danh bị tuyên phạt 30 năm tù về các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ông và đồng phạm bị buộc bồi thường 9.000 tỷ đồng thiệt hại.

Chuyên đề