Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks. Ảnh:AP |
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm 3/1 trên mạng xã hội Twitter không tiếc lời khen ngợi người đàn ông mà hầu hết các thành viên đảng Cộng hòa đều không muốn nhắc tới: Julian Assange, ông chủ WikiLeaks, trang web chuyên đăng tải những thông tin bí mật liên quan tới chính phủ các nước.
"Julian Assange nói 'một thiếu niên 14 tuổi có thể đã tấn công mạng Podesta'", Washington Post dẫn lời ông Trump viết, nhắc tới John Podesta, cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton. "Vì sao Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) lại bất cẩn đến thế?".
Đây không phải lần đầu tiên Trump dành lời khen cho WikiLeaks. Trong thời gian vận động tranh cử, nhà tài phiệt New York không ít dịp tỏ thái độ hân hoan trước việc Wikileaks công bố loạt email đánh cắp từ DNC hay chiến dịch tranh cử của bà Clinton. Đám đông ủng hộ ông Trump thường hò reo, vỗ tay nhiệt tình khi cái tên WikiLeaks được xướng lên.
Từ đó đến nay, ông Trump vẫn tiếp tục ca ngợi sự minh bạch mà WikiLeaks mang đến, trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng các quan chức hàng đầu khác chỉ trích, cho rằng WikiLeaks gây nguy hại vì làm rò rỉ những bí mật quốc gia quan trọng.
Trump cũng lên tiêng bảo vệ ông chủ WikiLeaks, người đang được Ecuador cho phép tị nạn tại đại sứ quán ở London sau khi một tòa án Anh ra lệnh dẫn độ ông về Thụy Điển để đối mặt với cáo buộc quấy rối tình dục liên quan đến hai phụ nữ. Những bình luận mà nhà tài phiệt New York đưa ra đồng điệu với các phương tiện truyền thông bảo thủ, một thời lên án WikiLeaks, nhưng nay lại có chiều hướng tung hô Assange như người hùng.
Dù vậy, một số thành viên phe Cộng hòa đang dần thể hiện rõ quan điểm trái ngược. Trong các cuộc phỏng vấn, những thành viên trực thuộc các cơ quan tình báo quốc hội hoặc từ chối bình luận hoặc khẳng định họ vẫn muốn WikiLeaks ngừng hoạt động.
"Julian Assange không phải anh hùng", hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Oklahoma James Lankford nói. "Một kẻ ăn trộm tài sản không thể đem đến sự minh bạch. Ông ta không có quyền công bố những thông tin như thế".
Trong một thông báo, hạ nghị sĩ Cộng hòa bang Texas Will Hurd, cựu quan chức Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nhấn mạnh Assange không phải "một nguồn tin đáng tin cậy" cho tổng thống đắc cử Trump hay bất kỳ ai.
"Những người lên án cựu ngoại trưởng Clinton vì dùng máy chủ cá nhân xử lý các thông tin tuyệt mật và nhạy cảm cũng nên cảm thấy giận dữ khi Assange liên tục làm rò rỉ các tài liệu nhạy cảm một cách thiếu cẩn trọng", ông Hurd nói.
Xuất hiện trên kênh truyền hình CNN, thượng nghị sĩ Cộng hòa bang South Carolina Lindsey O. Graham kêu gọi tổng thống Mỹ tương lai đánh giá kỹ càng hơn động cơ cũng như tham vọng đằng sau các bước đi của Assange.
"Hôm nay là đảng Dân chủ, biết đâu ngày mai là đảng Cộng hòa", ông nói.
Tuy nhiên, một số đơn vị truyền thông khuynh hướng bảo thủ ở Mỹ hiện không có chung điểm nhìn với các chính trị gia Cộng hòa kể trên. Trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện tại phòng của Assange ở London, phóng viên kênh Fox News Sean Hannity đã dùng nhiều từ ngữ tích cực để miêu tả ông chủ WikiLeaks, ví dụ như nguồn tin sự thật, đại diện cho báo chí liêm chính hay người đả phá các tầng lớp tinh hoa chính trị. Hannity hôm 3/1 cho hay ông tin "từng lời" Assange nói.
Với một chút thúc đẩy từ Hannity, Assange tuyên bố tin tặc Nga không dính dáng tới việc các email của đảng Dân chủ bị rò rỉ. Assange thêm rằng ông thấy bất ngờ khi "giới tinh hoa chính trị" Mỹ thất bại trong việc đưa bà Clinton lên làm tổng thống. Trước đó, Trump "không được phép" chiến thắng, Assange nói.
Cuộc phỏng vấn do Fox News thực hiện nhận được sự ủng hộ từ không ít người hâm mộ. Sarah Palin, người từng so sánh Assange với biên tập viên tạp chí của tổ chức khủng bố al-Qaeda, đã gửi lời xin lỗi ông chủ WikiLeaks trên Facebook và khen ngợi ông vì tiết lộ "những thông tin quan trọng giúp công chúng mở mắt".
Tội đồ
Julian Assange trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Fox News. Ảnh:Fox News
WikiLeaks năm 2010 gây chấn động toàn cầu khi công bố hàng nghìn tài liệu mật từ Lầu Năm Góc đề cập tới hoạt động của quân đội Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Nổi tiếng nhất trong đó có đoạn video ghi từ buồng lái, quay cảnh phi công trực thăng Mỹ xả súng vào hai phóng viên Reuters vì tưởng nhầm họ là quân nổi dậy.
Cùng năm, WikiLeaks tiếp tục tung ra hơn 250.000 tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ chứa những đánh giá nhạy cảm về các chính phủ và chính trị gia nước ngoài. Từ đó tới nay, WikiLeaks vẫn chưa dừng việc công bố các tài liệu tuyệt mật.
Giới truyền thông bảo thủ lúc bấy giờ kêu gọi truy tố Assange. Bình luận viên Jeffrey Kuhner trong một bài viết trên Washington Times thậm chí gợi ý rằng chính quyền Mỹ nên ám sát Assange.
"Julian Assange tạo ra mối đe dọa hiện hữu và rõ ràng đối với an ninh quốc gia Mỹ", Kuhner viết. "Người sáng lập WikiLeaks không khác gì một kẻ khiêu khích liều lĩnh. Ông ta đang trợ giúp, tiếp tay cho những kẻ khủng bố trong cuộc chiến chống lại nước Mỹ. Chính phủ nên xử lý vấn đề, ngay lập tức và mãi mãi".
Trang tin National Review Online đặt câu hỏi tại sao đến tận bây giờ Assange vẫn sống sót. Ông ta đáng lẽ phải "bị thắt cổ trong phòng khách sạn rồi". Bản thân nhà tài phiệt New York khi ấy cũng gọi WikiLeaks là một "nỗi nhục nhã".
Các nhà lập pháp và quan chức an ninh quốc gia tỏ ra ít khắc nghiệt hơn. Thượng nghị sĩ Arizona John McCain miêu tả hành động công bố tài liệu mật quốc gia của WikiLeaks là "vụ vi phạm an ninh lớn nhất và gây tổn hại nhất trong lịch sử nước Mỹ". Hạ nghị sĩ Peter T. King, người sau này trở thành chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện, cho rằng WikiLeaks nên bị liệt vào danh sách tổ chức khủng bố.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James R. Clapper Jr. cáo buộc Assange gây nguy hiểm cho nhiều sinh mạng con người, đặc biệt là những nhân viên tình báo Mỹ làm việc ở nước ngoài.
Gần đây nhất, hồi cuối năm 2015, hạ nghị sĩ Cộng hòa bang Texas Mac Thornberry, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện, nhấn mạnh WikiLeaks đã "tiếp tay cho kẻ thù hàng đầu" của Mỹ và gây ra thiệt hại "khổng lồ" đối với quốc gia.