OceanBank lập “hàng rào thưa”

OceanBank thiết lập các khối/ban với chức năng hỗ trợ tạo ra các lớp rào chắn, “phòng thủ” để kiểm soát việc huy động vốn, nhưng không hạn chế được tình trạng chi lãi ngoài giai đoạn huy động vốn “sốt nóng” 2011 - 2013.
Bị cáo Hà Văn Thắm tại phiên xét xử phúc thẩm
Bị cáo Hà Văn Thắm tại phiên xét xử phúc thẩm

Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Hà Văn Thắm và các đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) đã diễn ra ngày 18/4, dự kiến kéo dài 10 - 12 ngày.

Trước khi bị Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc năm 2014, OceanBank (nay là Ngân hàng thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương) hoạt động theo mô hình quen thuộc là “hội sở - chi nhánh”. Mô hình tổ chức hoạt động ở cả hội sở và chi nhánh đơn thuần là phòng tín dụng (kinh doanh) và các bộ phận có chức năng hỗ trợ, tổng hợp...

Vào thời điểm thị trường huy động vốn “nóng sốt” giai đoạn 2011 - 2013, hàng loạt ngân hàng chạy đua lãi suất, OceanBank cũng không đứng ngoài cuộc.

OceanBank đã chi lãi ngoài số tiền lên đến hơn 1.576 tỷ đồng, bằng 3 phương thức chính, bao gồm các khoản: 1.022 tỷ đồng chi trực tiếp cho các cá nhân là lãnh đạo hội sở và lãnh đạo các chi nhánh; 66,4 tỷ đồng chuyển thẳng cho các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm tại các chi nhánh; 475 tỷ đồng chuyển cho 54 chi nhánh/phòng giao dịch và khối khách hàng doanh nghiệp.

Đáng kể, trong số tiền chuyển cho chi nhánh, có khoản 59,7 tỷ đồng do một số cá nhân sử dụng và không xác định được mục đích sử dụng. Trong đó, có 56 tỷ đồng được ghi là “chi hỗ trợ kinh doanh”.

Khoản tiền này do hội sở tự tính toán trên cơ sở số dư huy động tiền gửi trên tài khoản thanh toán của các khách hàng phát sinh gửi tiền tại các chi nhánh theo từng tháng, rồi chuyển tiền cho giám đốc chi nhánh dưới dạng tiền hỗ trợ kinh doanh để chi nhánh có nguồn tiền sử dụng chăm sóc khách hàng nhằm duy trì, phát triển số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán.

Hội sở không yêu cầu chi nhánh phải chi cho ai, bằng hình thức nào nên giám đốc các chi nhánh sử dụng chi linh hoạt bằng nhiều hình thức như chi tiền mặt, mua quà tặng, tiếp khách, giao lưu…

Các con số trên phần nào cho thấy bức tranh chi lãi ngoài của OceanBank, trong đó chi nhánh được hội sở trao quyền chi lãi ngoài.

Bị cáo Nguyễn Hoài Nam (nguyên Giám đốc Khối nguồn vốn OceanBank) cho biết, thời gian đầu, việc chi trả lãi suất được thực hiện trực tiếp ở các chi nhánh. Chi nhánh tự chi, tự làm nên việc quản lý trên hội sở rất rối ren. Tình trạng này kéo dài 3 - 4 tháng đầu, xuất hiện tình trạng khách hàng kiện cáo lẫn nhau. Lãnh đạo hội sở thấy chi nhánh tự làm có sơ hở như chi nhánh có thể lợi dụng lấy tiền ngân hàng hoặc chi lãi ngoài cao hơn để cạnh tranh khách hàng…, nên đề ra nhiệm vụ cho các khối hỗ trợ làm “bàn tay thứ ba” kiểm tra để hạn chế rủi ro.

Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank Hà Văn Thắm xác nhận, OceanBank thiết lập một số khối hỗ trợ để tính toán, xem xét chắc chắn hơn việc lên kế hoạch, ngăn cản việc huy động vốn thái quá. Đứng đầu các khối là những “bóng hồng”. Các khối/ban này có nhiệm vụ chủ yếu là hỗ trợ, báo cáo, thống kê số liệu.

Tuy nhiên, lời khai của các cựu cán bộ OceanBank cho thấy, việc thiết lập các khối hỗ trợ với nhiệm vụ là “hàng rào” hạn chế rủi ro, nhưng thực tế mang tính hình thức là chủ yếu.

Theo bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba, nguyên Giám đốc Khối khách hàng bán lẻ OceanBank, sau khi nhận báo cáo của các chi nhánh/phòng giao dịch gửi lên, Khối khách hàng bán lẻ sẽ kiểm tra, đối chiếu tỷ lệ phần trăm lãi suất cộng thêm cho khách hàng. Giả dụ, Ngân hàng quy định chi lãi ngoài 2%, Khối Khách hàng bán lẻ sẽ kiểm tra chi nhánh có thực hiện đúng chủ trương không.

Sau khi kiểm tra, Khối bán lẻ tổng hợp số liệu, gửi lên Khối nguồn vốn, Ban kế toán. Khối bán lẻ chỉ làm công tác báo cáo thống kê để Ban lãnh đạo OceanBank có số liệu thực. So với các đơn vị hội sở, Khối bán lẻ không biết nguồn tiền, phương thức chi trả, số tiền chi trả.

Nguyên Giám đốc Khối nguồn vốn, bị cáo Nguyễn Hoài Nam có lời khai, Khối nguồn vốn chỉ kiểm tra lại lãi suất margin đã chi, không biết số tiền thực chi bao nhiêu.

Với Khối khách hàng cá nhân, bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang giải thích, phòng của bị cáo có nhiệm vụ đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng. Số tiền chi cho khách hàng như nào, bị cáo không biết được. Hình thức xác nhận thông qua phần mềm. Tuy nhiên, Khối khách hàng cá nhân không được quyền truy suất số liệu, chỉ nhận danh sách từ Khối tài chính. Trong bảng danh sách khách hàng có các nội dung cơ bản như số dư tiền gửi…, Khối khách hàng cá nhân không phê duyệt, chỉ ký nháy vào mặt sau để xác thực thông tin khách hàng.

Chủ tọa phiên tòa đặt trường hợp, nếu hội sở chuyển cho chi nhánh 10 tỷ đồng chi lãi ngoài, giám đốc chi nhánh không chi cho khách hàng thì Khối nguồn vốn có thể biết được không? Bị cáo Nguyễn Hoài Nam thừa nhận, Khối nguồn vốn không thể biết.

Với nhiệm vụ của Khối Khách hàng cá nhân, Hội đồng xét xử thắc mắc, tại sao lại có bộ phận này, có kiểm tra, kiểm soát không và không có cả điều kiện xác thực? Bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang phân trần, đây là quy trình có từ trước. Bị cáo làm theo quy định của Ngân hàng nên rất khó để biết việc này có ý nghĩa như nào…

Chuyên đề