Elizabeth Holmes từng là nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới. Ảnh:Makers |
Thông tin về khoản nợ của Holmes với Theranos được tiết lộ trong một tài liệu Theranos gửi một nhóm cổ đông. Theranos đang tìm cách đổi số cổ phiếu Holmes đang nắm giữ, để nhóm cổ đông này cam kết không kiện công ty hoặc lãnh đạo công ty.
Số tiền 25 triệu USD mà Holmes nợ Theranos xuất phát từ một thỏa thuận giữa cô và công ty. Thỏa thuận này cho phép cô thực thi quyền chọn mua cổ phiếu mà không phải trả tiền trước. Cô cũng đồng ý sẽ trả khoản này sau.
Nguồn tin trên cho biết họ không rõ thỏa thuận này được lập ra khi nào. Theranos có quyền xóa nợ cho Holmes hoặc hủy số cổ phiếu. Đến nay, Holmes vẫn chưa bán cổ phiếu nào.
Những nhà đầu tư đồng ý không kiện Theranos sẽ nhận được một khoản lớn trong số phần của Holmes. Cô hiện nắm hơn 50% công ty. Các nhà đầu tư sẽ có thời hạn đến ngày 14/4 để chọn có nên chấp nhận thỏa thuận này hay không.
Holmes sáng lập Theranos năm 2004. Cô được mô tả là người cuồng công việc và có lối sống rất khắc nghiệt. Có thời điểm, Theranos được định giá 9 tỷ USD, giúp Holmes trở thành nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới với 4,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, từ tháng 10/2015, hãng này bị tố cáo thiết bị cho kết quả không chính xác. Tháng 7/2016, Holmes bị giới chức Mỹ cấm sở hữu hoặc điều hành một phòng thí nghiệm bất kỳ trong ít nhất 2 năm. Các khoản thanh toán mà lẽ ra Theranos sẽ nhận được từ chương trình Medicare và Medicaid của Chính phủ cũng bị hủy. Theranos đã phải đóng cửa toàn bộ phòng thí nghiệm và sa thải hàng trăm nhân viên.
Họ cũng vướng vào hàng loạt vụ kiện tụng với cáo buộc thổi phồng công nghệ. Các đơn kiện đòi bồi thường tổng cộng 240 triệu USD, trong khi Theranos hiện chỉ còn 150 triệu USD.
Forbes ước tính, khi tài sản Theranos được thanh lý, các nhà đầu tư (nắm cổ phiếu ưu đãi) sẽ được trả tiền trước. Trong khi đó, Elizabeth Holmes chỉ nắm cổ phiếu phổ thông. Vì thế, 50% cổ phần của cô tại Theranos gần như không có giá trị, khiến Holmes bị loại khỏi danh sách tỷ phú thế giới năm nay.