Các nhà giao dịch làm việc trên thị trường chứng khoán Phố Wall - Ảnh: Reuters. |
Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm mạnh phiên ngày đầu tuần (5/2), nối tiếp cú sụt trước đó của chứng khoán Mỹ vào đêm ngày thứ Sáu. Dữ liệu việc làm khả quan hơn dự báo của Mỹ khiến giới đầu tư lo ngại lãi suất có thể được tăng quá nhanh, khiến các chỉ số chứng khoán chìm sâu trong sắc đỏ.
Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương, thước đo rộng nhất của chứng khoán khu vực, có thời điểm giảm 1,6% trong sáng nay, mức giảm mạnh nhất trong một phiên kể từ tháng 12/2016.
Theo dữ liệu của hãng tin Bloomberg, chứng khoán Australia mất 1,65% điểm số trong phiên sáng.
Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 vừa mở cửa phiên chiều đã "bốc hơi" 2,34%, trong khi chỉ số Topix giảm 2,12%. Chứng khoán Hàn Quốc cũng giảm, với Kospi hạ 1,34% vào đầu giờ chiều nay.
Thị trường Trung Quốc không nằm ngoài xu thế giảm điểm của chứng khoán khu vực nói chung. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải mất 0,19% vào đầu phiên chiều, còn sàn Thẩm Quyến giảm 0,77%. Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm 1,67%.
Sau cú giảm mạnh ở Phố Wall vào hôm thứ Sáu, các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm hôm nay. Trong đó Dow Jones tương lai giảm 0,5%, S&P 500 tương lai giảm 0,2%.
Hôm thứ Sáu, Bộ Lao động Mỹ cho biết nền kinh tế Mỹ tạo thêm được 200.000 công việc mới trong tháng 1, cao hơn mức dự báo 180.000 công việc mà giới chuyên gia đưa ra trước đó. Thống kê này khiến giới đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ đẩy việc tăng lãi suất cơ bản đồng USD diễn ra nhanh hơn dự kiến.
Một dữ liệu khác khiến giới đầu tư lo ngại là tiền lương ở Mỹ trong tháng 1 tăng tới 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất trong 8 năm rưỡi. Tiền lương tăng nhanh có thể đẩy lạm phát tăng theo, mở đường cho việc tăng lãi suất nhanh hơn. Các nhà phân tích cho rằng FED sẽ tăng lãi suất từ 3 lần trở lên trong năm nay.
"Tuần qua đã chứng kiến giá cổ phiếu chịu sức ép giảm do kỳ vọng lãi suất FED gia tăng. Những kỳ vọng này phản ánh tốc độ tăng tiền lương được đẩy nhanh của Mỹ", ông Shane Oliver, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư của AMP Capital, nói trong một báo cáo được hãng tin Reuters trích dẫn.
"Nhiều khả năng thị trường chứng khoán toàn cầu còn giảm điểm nữa khi các nhà đầu tư điều chỉnh để phản ánh khả năng FED tăng lãi suất nhiều hơn so với dự kiến ở thời điểm hiện nay. Chúng tôi hiện cho rằng FED có thể nâng lãi suất 4-5 lần trong năm nay, trong khi thị trường gần đây mới chỉ kỳ vọng lãi suất tăng 3 lần", ông Oliver phát biểu.
Chứng khoán thế giới đã tăng điểm "rực rỡ" trong tháng 1 năm nay, khi được hỗ trợ bởi những hy vọng về lợi nhuận doanh nghiệp tăng và sự khởi sắc trên diện rộng của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, bước sang tháng 2, tình hình thị trường đã chuyển xấu.
Hãng tin Bloomberg cho biết, tuần trước, chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới đã sụt 3,4%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2016.
Trong đó, phiên ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones sụt 2,54%, S&P 500 giảm 2,12%, và Nasdaq mất 1,96%.
Trái với sự giảm giá của các thị trường chứng khoán, đồng USD đang hồi phục nhờ triển vọng tốc độ tăng lãi suất được đẩy nhanh. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD tăng lên mức 89,180 điểm vào đầu giờ chiều nay, sau khi giảm dưới 88,8 điểm - thấp nhất 3 năm - vào tuần trước.
USD tăng giá cũng khiến giá các hàng hóa cơ bản như vàng và dầu thô đi xuống. Giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau ở Mỹ có lúc giảm gần 1% vào đầu giờ chiều nay, còn 64,8 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tại London hạ hơn 1%, còn 67,88 USD/thùng.