Quầy bar Gold on 27 tạiBurj Al Arab. Ảnh:CNN |
Vàng là ngành công nghiệp lớn ở Dubai (thuộc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất). Theo Trung tâm Hàng hóa Dubai, tiểu quốc này đóng góp khoảng 25% giao dịch kim loại quý toàn cầu.
Người Dubai cũng chưa bao giờ che giấu sự yêu thích của mình với vàng. Họ có chợ vàng Gold Souk, xe thể thao dát vàng và cả máy bán vàng tự động. Một trong những khách sạn quyền lực nổi tiếng ở Dubai - Burj Al Arab sử dụng tới 1.790 m2 vàng 24k để trang trí. Tầng 27 của khách sạn này còn có Gold On 27 - quán bar đưa vàng vào mọi đồ uống, từ cappucino đến cocktail.
Dù vàng không tạo nên hương vị, nếu không muốn nói là chẳng có vị gì cả, các nhà hàng tại Dubai vẫn rất chuộng thành phần này. “Vàng đồng nghĩa với sự xa xỉ”, Etienne Haro - trợ lý giám đốc mảng thực phẩm - đồ uống tại Burj Al Arab giải thích.
Khách sạn này sử dụng tới 700 gram vàng mỗi năm, nhập khẩu từ Italy và Ấn Độ, để cho vào đồ ăn, đồ uống. Chủ yếu dưới dạng vàng lá, vụn hoặc bụi vàng. "Kim cương thì cứng lắm, nên vàng cho vào cocktail phù hợp hơn”, Haro đùa.
Các sản phẩm dùng vàng trong thực đơn còn có chocolate lẫn vàng, một máy xay tiêu làm thủ công để nghiền vàng rắc lên thức ăn hoặc cocktail, một miếng đường vàng thả vào mocktail và một lọ phun vàng nguyên chất.
Các món ăn sử dụng vàng tạiBurj Al Arab. Ảnh:CNN
Loại cocktail nổi tiếng nhất quán bar này có tên Element 79, gồm rượu trộn với vụn vàng, màu thực phẩm trộn vàng nguyên khối và một miếng đường vàng. Sự kết hợp này sẽ cho ra một loại đồ uống rất bắt mắt.
Khách hàng tại Burj Al Arab luôn đòi hỏi rất cao ở Haro. Mỗi tháng, họ lại phải làm một loại bánh phủ đầy vàng, nhưng theo công thức riêng cho một khách hàng thân thiết. Họ còn từng tạo ra một chiếc bánh phủ vàng khổng lồ và thực đơn 5 món toàn vàng cho một hãng ôtô.
Thi thoảng, Haro còn phải từ chối nhiều yêu cầu đặc biệt, như “tạo ra một loại đồ uống đắt nhất thế giới cho riêng một khách hàng, đặt tên cho nó theo tên ông ấy và đảm bảo chỉ làm một ly như vậy”. Ông giải thích rằng vì đang làm kinh doanh, “mọi thứ đều phải đảm bảo giữ ở mức độ thống nhất nhất định”.
24 Karat - một nhà hàng Italy tại Marriott Hotel ở Dubai cũng nhận cho thêm vàng vào các món ăn, dù là burger, pizza hay salad. Nhà phê bình đồ ăn - Samantha Wood cho biết lần đầu tiên cô nhìn thấy vàng ăn được tại tiểu quốc này là cách đây 6 năm. Đó là một chiếc cupcake dát vàng có giá tới 1.000 USD.
“Người Dubai làm việc này cũng không có gì bất ngờ. Họ thích những cái nhất và thích tập trung vào thứ gì thu hút sự chú ý”, Wood cho biết, “Vàng nhìn cũng được đấy. Nhưng tôi không nghĩ nó bổ sung được cho món ăn cái gì, trừ giá”.
Một nhà phê bình đồ ăn khác - Dan The EmirEATi cũng có suy nghĩ tương tự: “Dubai có lẽ là thị trường phù hợp với vàng ăn được. Có mối liên hệ giữa việc mọi người đi xe gì và họ ăn bao nhiêu vàng vào người ấy”.
Dù vậy, cả hai đều đồng ý rằng vàng ăn được không phổ biến như mọi người nghĩ. “Tôi cho rằng Dubai đang dần thay đổi điều đó rồi. Các nhà hàng giờ cũng chọn lọc hơn nhiều rồi”.