Nikkei Asia: Châu Á tập trung nhiều tỷ phú nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tháng 9/2022, doanh nhân Ấn Độ Gautam Adani trở thành người châu Á đầu tiên đứng thứ hai trong bảng xếp hạng tỷ phú toàn cầu - những người có giá trị tài sản ròng hơn 1 tỷ USD - trong bối cảnh số lượng người giàu tại châu lục này đang tăng lên đều đặn.

Ông Adani cũng là một trong những tỷ phú thăng hạng nhanh nhất khi vào cuối tháng 8, ông được Bloomberg Billionaires Index xếp hạng là người giàu thứ ba thế giới. Tạp chí Forbes sau đó cũng xác nhận điều này. Ông hiện là chủ tịch tập đoàn đa quốc gia Adani Group với danh mục đầu tư và công ty bao trùm nhiều lĩnh vực như khai thác than, trung tâm dữ liệu, sân bay và năng lượng tái tạo.

Bảng xếp hạng tỷ phú theo Forbes (giá trị tài sản tính đến ngày 29/9/2022 - đơn vị: tỷ USD)

Bảng xếp hạng tỷ phú theo Forbes (giá trị tài sản tính đến ngày 29/9/2022 - đơn vị: tỷ USD)

Theo một phân tích tài sản của hơn 2.400 tỷ phú trong xếp hạng thời gian thực tới ngày 29/9 của Forbes, các tỷ phú tại Bắc Mỹ nắm giữ khối tài sản lớn nhất, 4,7 nghìn tỷ USD. Theo sau là các tỷ phú châu Á với 3,5 nghìn tỷ USD và châu Âu với 2,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, xét về số lượng, châu Á đứng đầu thế giới với 951 tỷ phú, vượt xa Bắc Mỹ với 777 người và châu Âu với 536 người. Tất nhiên, bức tranh toàn cảnh sẽ khác khi nhìn vào tỷ lệ dân số của từng khu vực. Châu Á hiện chiếm 60% dân số thế giới, trong khi Mỹ chỉ chiếm 4% và châu Âu chưa tới 10%.

Xét về quốc gia, Mỹ là nơi có nhiều tỷ phú nhất thế giới với 719 người. Theo sau là Trung Quốc và Ấn Độ với lần lượt 440 và 161 người.

Theo Nikkei Asia, số lượng tỷ phú ở châu Âu bắt đầu tăng lên trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp thế kỷ 18 và 19. Còn ở Mỹ, số tỷ phú tăng lên theo cấp số nhân nhờ toàn cầu hóa và đổi mới về công nghệ. Hiện tại, các quốc gia mới nổi đang sản sinh nhiều tỷ phú hơn ở châu Âu và Mỹ trong thế kỷ 19 và 20 nhờ sự tiến bộ trong công nghệ và toàn cầu hóa.

Trên thực tế, người giàu tại các nước mới nổi có tốc độ tích lũy tài sản rất nhanh. Một phân tích dữ liệu từ Báo cáo Global Wealth Report của Credit Suisse tháng 9 cho thấy, giá trị tài sản của những người thuộc nhóm 1% giàu nhất tăng gấp 11 lần ở Ấn Độ và 34 lần ở Trung Quốc trong giai đoạn năm 2000 - 2021. Trong khi đó, mức tăng tại Mỹ và Nhật Bản lượt lượt là 3,6 lần và 1,2 lần.

Nguồn: Xếp hạng tỷ phú theo thời gian thực của Forbes (dữ liệu tới ngày 29/9)

Nguồn: Xếp hạng tỷ phú theo thời gian thực của Forbes (dữ liệu tới ngày 29/9)

Liệu các tỷ phú châu Á có sớm đứng đầu danh sách những người giàu nhất thế giới?

“Giá bất động sản tăng lên là động lực chính giúp tích lũy tài sản ở châu Á”, ông Soichiro Matsumoto, Giám đốc đầu tư tại Credit Suisse Wealth Management - Chi nhánh Nhật Bản, cho biết. Theo ông Matsumoto, vì những người có xếp hạng cao trong danh sách tỷ phú chủ yếu là chủ doanh nghiệp có cổ phần lớn trong các công ty toàn cầu hơn là bất động sản, nên châu Á "cần thêm thời gian để theo kịp người Mỹ”.

Với việc nhiều quốc gia thắt chặt chính sách tiền tệ, các tỷ phú châu Á đang phải đối mặt với một số tác động bất lợi như giá cổ phiếu giảm và đồng USD tăng giá. Trong số 245 người "rớt" khỏi danh sách tỷ phú theo thời gian thực của Forbes trong 6 tháng qua, châu Á chiếm 126 người, trong khi Bắc Mỹ là 27 người.

Tuy nhiên, số lượng người giàu tại các nền kinh tế mới nổi sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới nhờ nhu cầu nội địa và phát triển cơ sở hạ tầng. Credit Suisse dự báo, số lượng triệu phú - tài sản từ 1 triệu USD trở lên - sẽ tăng gần gấp đôi ở Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 2026 so với năm 2021.

Chuyên đề