Tuy nhiên, cố CEO Apple Steve Jobs đã từng nói: “Bạn phải sẵn sàng cho sự sụp đổ và thiêu rụi… Nếu bạn sợ thất bại, bạn sẽ không tiến được rất xa”.
Dưới đây là một số sản phẩm hoàn toàn thất bại của Apple trong hơn 4 thập niên qua
Apple III
Apple II là khởi nguồn đưa "táo khuyết" tới thành công vào năm 1977, khi nó trở thành chiếc máy tính cá nhân đạt thành công thương mại hóa đầu tiên và bán được từ 5-6 triệu chiếc cho đến khi ngừng sản xuất vào năm 1993.
Tuy nhiên, thế hệ tiếp theo là Apple III lại không được thành công như vậy. Được ra mắt vào năm 1980, Apple III được dự định cho các doanh nghiệp sử dụng, với tính năng bàn phím mở rộng và màn hình lớn hơn. Cố CEO Steve Jobs được cho là muốn chiếc máy tính này không gây tiếng ồn khi chạy, do đó ông khăng khăng rằng Apple III không cần có quạt làm mát hoặc lỗ thông hơi. Các kỹ sư đã chế tạo máy tính bằng vỏ nhôm để giúp máy mát hơn, song nó vẫn quá nóng, thậm chí đôi khi khiến chip máy tính và đĩa mềm tan chảy bên trong. Nhà đồng sáng lập Apple Steve Wozniak cho rằng Apple III “đã bị hỏng phần cứng 100%”, buộc hãng phải thu lại sản phẩm và thay thế toàn bộ 14.000 chiếc được sản xuất.
Một phiên bản sửa lỗi của Apple III đã khắc phục được các vấn đề trước đó, song thiệt hại về danh tiếng đã khiến sản phẩm không có cơ hội đối với khách hàng. Apple đã ngừng sản xuất Apple III vào năm 1984, ông Jobs khi đó tuyên bố “mất đi một số tiền vô hạn, không thể tính toán” bởi dòng sản phẩm này.
Apple Lisa
Ra mắt vào năm 1983, Apple Lisa nổi tiếng là một trong những chiếc máy tính thương mại đầu tiên được bán với thiết bị chuột và có đồ họa giao diện người dùng – nghĩa là màn hình có biểu tượng và hình ảnh thay vì chỉ có dòng văn bản. Tuy nhiên, Apple Lisa lại có mức giá cực đắt là 9.995 USD, và đó là rào cản lớn dành cho những ai muốn sở hữu sản phẩm này.
Mức giá cao đã ảnh hưởng tới doanh số bán hàng của Apple Lisa, công ty chỉ bán được khoảng 100.000 đơn vị sản phẩm trước khi ngưng hoàn toàn vài năm sau. Bên cạnh đó, năm 1984, Apple còn cho ra mắt một sản phẩm mang tính biểu tượng của hãng là máy tính Macnitosh, có giá rẻ hơn đáng kể so với Lisa và phổ biến hơn nhiều.
“Trước hết nó quá đắt, khoảng 10 ngàn USD”, ông Jobs nói về Apple Lisa trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1985. “Chúng tôi đã cố gắng bán sản phẩm cho những tập đoàn lớn, trong khi gốc rễ của chúng tôi là bán sản phẩm cho người bình thường”, ông Jobs nói.
Thất bại này của Apple đồng nghĩa với 2.700 chiếc Apple Lisa vẫn còn tồn kho, buộc hãng phải vứt tại một bãi rác ở bang Utah.
Apple Newton
Apple lần đầu tiên tung ra sản phẩm trợ lý kỹ thuật số cá nhân Newton vào năm 1993, sản phẩm này được kỳ vọng sẽ khởi đầu cho một cuộc cách mạng thiết bị công nghệ cầm tay khi đó. Apple Newton có tính năng viết tay cải tiến, giúp người dùng có thể viết trên màn hình nhờ bút cảm ứng, và Newton sẽ dịch chữ viết tay thành văn bản kỹ thuật số. Newton được quảng cáo có thể ghi chép dễ dàng như trên “một mảnh giấy”.
Tuy nhiên, vấn đề duy nhất là tính năng nhận dạng chữ viết không hoạt động tốt như Apple kỳ vọng. Apple Newton đã trở thành chủ đề bị chế nhạo. CEO Apple khi đó là ông John Sculley dự kiến sẽ bán 1 triệu chiếc Newton trong năm đầu tiên, song hãng chỉ bán được 50.000 chiếc trong 3 tháng và phải ngừng công bố doanh số sau đó.
Steve Jobs chính thức “khai tử” Newton khi ông quay trở lại Apple vào năm 1997. “Bằng cách vứt bỏ nó, tôi đã giải phóng một số kỹ sư giỏi để có thể làm việc trên các sản phẩm di động mới. Và cuối cùng, chúng tôi đã đi đúng hướng khi chuyển sang iPhone và iPad”, ông Jobs chia sẻ.
TV Macintosh
TV Macintosh là một sản phẩm thất bại khác của Apple xuất hiện trong thời gian ông Jobs không có mặt tại công ty mà ông là người đồng sáng lập. Cũng ra mắt vào năm 1993, sản phẩm này được đánh giá là nỗ lực ban đầu trong việc kết hợp máy tính với trải nghiệm xem truyền hình.
TV Macintosh về cơ bản giống như dòng máy tính Macintosh LC 500, song nó được trang bị card điều chỉnh TV, cho phép người dùng treo ăng-ten TV hoặc lắp cáp truyền hình. Tuy nhiên, bạn vẫn không thể xem TV khi đang sử dụng máy tính, bởi sản phẩm chỉ cho phép chuyển đổi qua lại hai chức năng trên màn hình 14 inch. Bên cạnh đó, mức giá 2.099 USD cũng khiến TV Macintosh rơi vào thất bại.
Apple chỉ bán được 10.000 chiếc TV Macintosh và đã ngừng sản xuất chỉ sau hơn 3 tháng.