Những điều ít biết về vi-rút “tống tiền” tấn công hệ thống máy tính toàn cầu

Phần mềm WannaCry hay còn gọi là phần mềm vi-rút tống tiền đã tấn công chớp nhoáng khiến khoảng 75.000 máy tính trên 99 quốc gia bị nhiễm mã độc.
(Ảnh minh họa: Global Look Press)
(Ảnh minh họa: Global Look Press)

Hôm qua 12/5, một cuộc tấn công mạng quy mô lớn, dường như sử dụng các công cụ đánh cắp từ Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA), đã ảnh hưởng tới một loạt các quốc gia khắp thế giới, với khoảng 75.000 máy tính bị nhiễm mã độc WannaCry.

Các nguồn tin cho biết, vụ tấn công mạng diễn ra trên quy mô toàn cầu, ảnh hưởng tới 99 quốc gia, trong đó có Anh, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha, Italy và vùng lãnh thổ Đài Loan.

WannaCry là gì?

WannaCry là một dạng phần mềm “tống tiền” theo phương thức khóa các dữ liệu trên máy tính của người dùng, sau đó mã hóa chúng khiến người sử dụng không thể truy cập các dữ liệu đó được nữa.

WannaCry phát tán ra sao?

Phần mềm vi-rút tống tiền là một chương trình xâm nhập vào máy tính của người dùng thông qua các thao tác như click vào một đường link hay tải xuống một đường link có chứa mã độc. Phần mềm này sau đó sẽ khống chế máy tính và đòi một khoản tiền chuộc từ người dùng.

Với WannaCry, phần mềm này mã hóa dữ liệu của người dùng, yêu cầu người dùng phải trả tiền chuộc bằng tiền ảo Bitcoin để có thể truy cập trở lại các dữ liệu đã bị mã hóa.

Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh cảnh báo, ngay cả khi người dùng chấp nhận trả tiền chuộc, chưa chắc họ đã có thể truy cập trở lại các dữ liệu của mình. Một số phần mềm tống tiền sẽ tiếp tục mã hóa dữ liệu thêm vài ngày để đòi thêm tiền chuộc hoặc nếu không các dữ liệu sẽ bị xóa.

Hình thức tấn công có thể xảy ra theo nhiều phương thức khác nhau, có những phần mềm tống tiền sẽ tiến hành khống chế toàn bộ máy tính và chỉ để lại một tin nhắn đòi tiền chuộc. Trong khi đó, có những hình thức khác như tạo ra các pop-up mà người dùng khó hoặc không thể tắt đi, từ đó khiến máy tính khó hoặc không thể sử dụng được.

WannaCry nguy hiểm tới mức nào?

WannaCry không chỉ là một phần mềm vi-rút tống tiền, nó còn được coi là một loại “sâu” máy tính. Hay nói cách khác, nó có thể xâm nhập vào máy tính của người dùng, sau đó tìm kiếm kết nối thêm với các máy tính khác để lan truyền mã độc càng nhiều càng tốt.

Phần mềm tống tiền này luôn thay đổi để có nhiều cách đột nhập vào hệ thống máy tính hoặc để đối phó với các phần mềm an ninh.

Một số công ty an ninh mạng cảnh báo, WannaCry tận dụng lỗ hổng an ninh trong các hệ thống của Microsoft mà Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) phát hiện ra. NSA và Microsoft hiện chưa đưa ra bình luận sau sự cố hôm qua. 

Chuyên đề