Chỉ định nhà đầu tư là khởi nguồn của nhiều hệ lụy và đã có những bài học nhãn tiền từ thực hiện các dự án BOT giai đoạn 2011 – 2015. Ảnh: Lê Tiên |
Trong nhiều báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu của các địa phương, phần tổng hợp về kết quả thực hiện lựa chọn nhà đầu tư các dự án PPP thường rất ngắn gọn, đa số chỉ nêu số liệu, nếu có một vài khó khăn vướng mắc thì phần nhiều viện dẫn do đầu tư theo hình thức PPP còn tương đối mới, do cơ chế, chính sách, hay do năng lực không theo kịp…
Thực tế trong năm qua, Báo Đấu thầu đã phản ánh nhiều dự án PPP có dấu hiệu đấu thầu hình thức, nhà đầu tư chưa đấu thầu đã biết trúng thầu, đã lên kế hoạch dài hơi cho những dự án chưa đi đến bước phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, thậm chí có dự án mới ở bước công bố danh mục dự án hay sơ tuyển. Có dự án mà bất kỳ ai quan tâm khi đọc báo cáo tài chính của nhà đầu tư lọt qua sơ tuyển đều biết chắc nhà đầu tư không bảo đảm năng lực tài chính, thậm chí có nguy cơ không trả được nợ khi đến hạn, nhưng vẫn trúng sơ tuyển dự án đến 600 - 700 tỷ đồng.
Hay câu chuyện 100% dự án PPP sơ tuyển trong năm 2017 đều có chung kết quả là chỉ 1 nhà đầu tư đáp ứng sơ tuyển, dẫn đến sau đó phải chỉ định nhà đầu tư. Trong khi chỉ định nhà đầu tư là vấn đề nhức nhối, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy và đã có nhiều bài học nhãn tiền từ thực hiện các dự án BOT giai đoạn 2011 - 2015.
Theo luật sư Lê Đình Vinh, Công ty Luật TNHH Vietthink, việc tổ chức đấu thầu không minh bạch đã khiến các nhà đầu tư làm ăn chân chính cảm thấy chán nản và mất niềm tin. Trong khi đó, việc chỉ định thầu tràn lan đã dẫn đến nhiều trường hợp nhà đầu tư được chỉ định nhưng không bảo đảm năng lực tài chính và kỹ thuật để triển khai thực hiện dự án. Kết quả là nhiều dự án đầu tư vừa triển khai dở dang đã bị đình trệ hoặc phá sản do nhà đầu tư không đủ năng lực, kinh nghiệm.
Luật sư Lê Đình Vinh cũng chỉ ra thực tế nhiều dự án BT được phê duyệt không mang tính cấp thiết về quốc kế dân sinh mà chỉ phục vụ cho một cộng đồng nhỏ, thậm chí phục vụ cho chính dự án của nhà đầu tư, gây bất bình trong nhân dân.
Trong năm 2017, Báo Đấu thầu từng thống kê rất nhiều dự án BT hình thành chỉ để làm cớ cho nhà đầu tư có được quỹ đất đã nhắm đến trước. Có địa phương đã duyệt hàng loạt dự án nhà văn hóa, trụ sở làm việc cấp xã, đường liên xã… theo hình thức BT, đa phần do chính nhà đầu tư bản địa đề xuất dự án. Liệu đó có phải là những dự án cấp thiết, thực sự vì nhu cầu của người dân?
Rất nhiều câu chuyện có lẽ chỉ gây trăn trở cho những người quan tâm đến hiệu quả đầu tư thực sự của các dự án PPP, cho cơ quan hoạch định chính sách về PPP hay các chuyên gia. Điển hình khi chúng tôi nêu ra vấn đề sơ tuyển chỉ có 1 nhà đầu tư trúng dẫn đến chỉ định thầu, thì nhiều nhà quản lý, chuyên gia thể hiện rõ sự trăn trở, lo lắng vì đây có thể là cách mà các đơn vị hợp thức cho chỉ định thầu. Ngược lại, cũng vấn đề đó, chúng tôi nhận được câu trả lời rất “vô tư” của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu: “Chúng tôi đã sơ tuyển công khai rồi, chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia, chúng tôi cũng không biết làm cách nào”.
Có thể đó là những nội dung không cần báo cáo theo quy định và có lẽ không ai dại “vạch áo cho người xem lưng”, nhưng để phục vụ tốt nhất cho việc hoạch định chính sách, các bộ, ngành, địa phương khi báo cáo công tác đấu thầu có lẽ cần đưa vào nhiều hơn những con số, những vướng mắc, khó khăn lặp đi lặp lại trong báo cáo nhiều năm.