Nhu cầu vốn “khủng” cho phát triển hạ tầng giao thông

(BĐT) - Theo ước tính của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nước ta giai đoạn 2016 - 2020 lên tới gần 1 triệu tỷ đồng nhưng mới đáp ứng được gần 210.000 tỷ đồng. Vấn đề được đặt ra là làm thế nào để thu hút nguồn lực xã hội vào phát triển hạ tầng giao thông?
Đầu tư theo hình thức PPP sẽ là giải pháp quan trọng trong việc giải bài toán vốn cho hạ tầng giao thông. Ảnh: Lê Tiên
Đầu tư theo hình thức PPP sẽ là giải pháp quan trọng trong việc giải bài toán vốn cho hạ tầng giao thông. Ảnh: Lê Tiên

“Đói” vốn giao thông

Tại cuộc họp giữa Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành với 63 tỉnh, thành cả nước vừa diễn ra, vấn đề về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông là một câu chuyện khá “nóng”. Rất nhiều tỉnh kiến nghị được tạo điều kiện về cơ chế chính sách để đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông địa phương mình. Đây được coi như là một giải pháp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, lãnh đạo TP.HCM đã đề nghị Thủ tướng sớm có kết luận về những đề xuất của Thành phố tại buổi làm việc mới đây, trong đó có việc đề xuất bổ sung 10.000 tỷ đồng cho đầu tư hạ tầng giao thông của Thành phố (như việc mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất, xây cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước…).

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá cũng kỳ vọng sớm thực hiện xây các đoạn cao tốc Thanh Hoá - Ninh Bình, Thanh Hoá - Hà Tĩnh. Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc” cũng như việc đầu tư nâng cấp Quốc lộ 4B đoạn từ Km58 đến Km80.

Liên quan đến Dự án Cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, đây được cho công trình quan trọng có tính chất động lực phát triển cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên đang chậm so với kế hoạch. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá IV vừa qua, dự án này cũng được các đại biểu “chất vấn” Bộ trưởng Bộ GTVT. Tại cuộc họp Thủ tướng với các địa phương lần này, vấn đề này tiếp tục được tỉnh Cần Thơ kiến nghị…

Trả lời kiến nghị của các địa phương, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, hiện nay nguồn kinh phí trung hạn cho GTVT mới được khoảng 31% và dự kiến tới năm 2018 sẽ không còn tiền. “Chúng tôi đã báo cáo với Thủ tướng, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại tất cả các khả năng và nguồn vốn. Bộ GTVT sẽ rà soát và báo cáo Thủ tướng sớm”, ông Nghĩa cho biết.

Riêng đối với đề xuất làm cao tốc Ninh Bình - Thanh Hoá, ông Nghĩa cho biết đây là đoạn tuyến nằm trong cao tốc Bắc - Nam đang xin Quốc hội cho chủ trương đầu tư. Bộ GTVT đã trao đổi với Thanh Hoá, nếu Tỉnh đứng ra làm đại diện chủ đầu tư và dùng vốn địa phương thì có thể làm sớm hơn. Còn nếu không sẽ vẫn phải nằm trong danh sách đề xuất.

Đối với một số dự án như cảng hàng không Cát Bi, Phú Bài, Chu Lai... Bộ trưởng GTVT khẳng định, Bộ sẽ có báo cáo trong tháng 7 và đồng thời tiếp tục kêu gọi đầu tư. 

Giải bài toán hút vốn như thế nào?

Nguồn vốn của Nhà nước tham gia vào các dự án PPP trong nhiều trường hợp phải là tiền đề để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bởi không phải dự án nào cũng hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân.
Trước thực tế nhu cầu vốn phát triển hạ tầng giao thông của các địa phương thì lớn trong khi nguồn vốn lại hạn hẹp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần phải thúc đẩy hơn nữa việc xã hội hoá trong phát triển hệ thống hạ tầng giao thông.

Theo Thủ tướng, còn nhiều tồn tại trong thực tiễn mà chưa giải quyết được như quy trình về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), phát triển đồng bộ GTVT. “Thể chế còn vướng mắc nhiều thứ nên chúng ta chưa huy động vốn xã hội được. Tôi biết có nhà đầu tư tâm huyết, rất muốn làm, nhưng vì thể chế của chúng ta nên họ nản lòng”, Thủ tướng nói.

Vậy làm sao để thu hút vốn tư nhân vào lĩnh vực này?

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế cho rằng, PPP sẽ là một trong các giải pháp quan trọng giải quyết bài toán này. Tuy nhiên, để tư nhân bỏ tiền làm đường thì trước hết phải đảm bảo được lợi ích cho họ. Theo ông Minh, trong nhiều trường hợp, nguồn vốn của Nhà nước tham gia vào các dự án PPP phải là tiền đề căn bản để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bởi không phải bất kỳ dự án nào cũng hấp dẫn để có thể kêu gọi được tư nhân tham gia.

Ngoài ra, theo ông Minh, bên cạnh hình thức BOT, tại một số địa phương có thể triển khai thu hút vốn tư nhân theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng - BT. Hiện nay hình thức này được nhiều địa phương áp dụng, tuy nhiên thời gian qua có nhiều dư luận về việc thất thoát, tham nhũng trong các dự án triển khai theo hình thức này.  “Có ý kiến cho rằng nên chấm dứt hình thức BT, theo tôi là không nên. Hình thức nào cũng có những ưu điểm và hạn chế. Đối với việc thất thoát, lãng phí thì cần có biện pháp kiểm soát. Không nên tư duy theo kiểu “không quản được thì cấm”, ông Minh nêu quan điểm và nhấn mạnh: “Phải có được 1 hệ thống giám sát cũng như quy trình đầu tư để làm sao chống thất thoát một cách tối đa”.

Chuyên đề