Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội thảo luận thảo luận về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi); dự án Luật tố cáo (sửa đổi). Ảnh: TTXVN |
* Làm rõ quy định về phạm vi nợ công
Thảo luận tại tổ, đa số các đại biểu nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi). Các đại biểu cho rằng, Luật quản lý nợ công có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010 đã xác lập cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong huy động, quản lý, sử dụng nợ công.
Tuy nhiên, cùng với những đổi mới trong Hiến pháp năm 2013, thay đổi trong hệ thống pháp luật và quá trình vận hành, phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều quy định của Luật quản lý nợ công đã bộc lộ một số vấn đề không còn phù hợp, nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được điều chỉnh...
Vì vậy, các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đặc biệt, việc sửa đổi phải góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, bảo đảm an toàn, đáp ứng yêu cầu quản lý nợ công trong tình hình mới.
Tại phiên làm việc, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến một số nội dung về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng nợ công; đối tượng và chương trình, dự án được xét cấp bảo lãnh Chính phủ...
Về phạm vi điều chỉnh, dự án Luật quy định, nợ công gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương. Đa số ý kiến thống nhất với quy định này, theo đó không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước, của đơn vị sự nghiệp công lập.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập tự vay, tự trả thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp nên không tính khoản này vào nợ công là hợp lý.
Tuy nhiên, phạm vi nợ công thể hiện trong dự thảo luật đã bỏ qua rủi ro phát sinh từ các đơn vị sử dụng vốn ngân sách ngoài Chính phủ và các quỹ bảo hiểm xã hội, đồng thời còn có sự chưa tương đồng giữa quy định về cách tính nợ công của Việt Nam với chuẩn mực quốc tế.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị cần xây dựng khung thống kê về nợ công ròng thay vì tổng nợ công dựa trên chuẩn mực Việt Nam và phù hợp với quốc tế. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong kiểm soát rủi ro nợ công và xây dựng các tiêu chí về nợ công cho Việt Nam dựa trên so sánh tương quan với các nước phát triển tương đương.
Tán thành với việc không đưa nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào phạm vi nợ công song đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) nêu ý kiến, việc không trả được nợ nước ngoài của doanh nghiệp Nhà nước có thể ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm của quốc gia.
Bên cạnh đó, theo thông lệ quốc tế, Ngân hàng Trung ương là độc lập, không nằm trong cơ cấu tổ chức của Chính phủ; tuy nhiên đặc thù ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thuộc Chính phủ.
“Vì vậy, cần xem xét và cân nhắc việc không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước phát hành có hợp lý không? Chủ thể đích thực của Ngân hàng Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước là ai?
Bởi nếu thuộc khu vực công thì nợ của Ngân hàng Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước đương nhiên Nhà nước phải trả”, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, quy định về đối tượng được xét cấp bảo lãnh Chính phủ cũng cần nghiên cứu lại. Theo đó, khoản 4 điều 45 của dự án Luật quy định: “Đối tượng được xét cấp bảo lãnh của Chính phủ là doanh nghiệp có dự án đầu tư, ngân hàng chính sách của Nhà nước thực hiện chương trình tín dụng chính sách được xét cấp bảo lãnh Chính phủ”.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, phạm vi đối tượng được xét bảo lãnh như quy định là quá rộng. Nếu các đối tượng được bảo lãnh không trả được nợ thì Chính phủ phải trả nợ thay theo nguyên tắc của bảo lãnh, điều này mâu thuẫn với các quy định về phạm vi nợ công.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) nhấn mạnh, đối tượng được xét cấp bảo lãnh Chính phủ chỉ là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước chứ không thể bảo lãnh doanh nghiệp cổ phần hoá, doanh nghiệp tư nhân bởi các doanh nghiệp này phải tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình.
* Nhiều ý kiến khác nhau về hình thức tố cáo
Cũng trong buổi chiều 30/5, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Tố cáo (sửu đổi). Nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận và cho ý kiến là hình thức tố cáo và tố cáo nặc danh.
Về hình thức tố cáo, đa số ý kiến tán thành với quan điểm của Chính phủ thể hiện trong dự án Luật là chỉ nên quy định hai hình thức tố cáo là bằng đơn và trực tiếp. Đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, trong điều kiện hiện nay, nếu bổ sung thêm các hình thức tố cáo khác như bản fax, email, điện thoại… sẽ rất khó khăn cho việc xác minh giải quyết đơn của các cơ quan Nhà nước.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Nhân Chiến (đoàn Bắc Ninh) nêu rõ, việc tố cáo không nên bổ sung hình thức bằng fax, email, điện thoại… nhằm tránh tình trạng lợi dụng việc tố cáo qua hình thức mới để bôi nhọ, nói xấu, xuyên tạc gây ảnh hưởng xấu đến tổ chức, cá nhân…
Đại biểu Chau Chắc (đoàn An Giang) nhấn mạnh, với việc quy định hình thức tố cáo giới hạn là bằng đơn và trực tiếp sẽ giảm tình trạng tố cáo tràn lan, tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín của người bị tố cáo, gây khó khăn cho cơ quan của nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Phạm Phú Quốc thảo luận tại tổ về Dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) và Dự án Luật tố cáo (sửa đổi). Ảnh: TTXVN
Trong khi đó, đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) lại cho rằng ngoài hai hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, dự thảo Luật cần quy định bổ sung các hình thức tố cáo khác như tố cáo bằng bản fax, email, điện thoại….
Điều này tạo điều kiện cho người tố cáo thực hiện quyền tố cáo, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm.
Theo đại biểu Tô Thị Bích Châu, thời gian qua, Chính phủ đã công bố và đưa vào hoạt động cổng thông tin Chính phủ tiếp nhận và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân. Vì vậy, nếu luật không quy định hình thức tố cáo qua fax, email, điện thoại… thì không phù hợp.
Tuy nhiên, cần xem xét, cân nhắc để quy định chặt chẽ, cụ thể, tránh tình trạng gửi không đúng người, đúng cơ quan.
Cũng trong phiên thảo luận tổ về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), các đại biểu cơ bản đồng tình với việc không nên quy định về giải quyết đối với đơn tố cáo nặc danh.
Bởi lẽ, tố cáo là quyền của công dân, để thực hiện quyền thì công dân phải nhân danh chính mình tham gia vào quan hệ pháp luật và phải chịu trách nhiệm nếu cố tình tố cáo sai sự thật.
Trong điều kiện tình hình hiện nay, nếu quy định tiếp nhận và giải quyết đối với đơn tố cáo nặc danh vào trong dự thảo luật sẽ gây khó khăn cho cơ quan, người có thẩm quyền trong việc xác minh, xử lý thông tin giải quyết tố cáo, gây tốn kém chi phí của nhà nước, dễ xảy ra tình trạng lợi dụng quy định để tố cáo tràn lan, sai sự thật...
Bày tỏ đồng tình với quy định này, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, Luật cần quy định rõ trường hợp tuy là đơn tố cáo nặc danh nhưng có gửi kèm theo chứng cứ, nội dung rõ ràng như các tài liệu, vật chứng, ảnh, đoạn băng ghi hình, ghi âm… thì cơ quan, người có thẩm quyền phải có trách nhiệm xác minh, xử lý nhằm tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật.
Theo chương trình, sáng 31/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).