Quang cảnh Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. Ảnh: Lê tiên |
Phí BOT vẫn là gánh nặng chi phí
Nghị quyết 35/NQ-CP đã giao nhiệm vụ cho 18 Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và VCCI triển khai thực hiện; trong đó một số nhiệm vụ triển khai trong năm 2016, phần lớn các nhiệm vụ được giao sẽ triển khai trong giai đoạn 2017-2020. Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, trong thời gian gần một năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, 15 Thông tư về điều chỉnh mức thu phí sử dụng đường bộ, phí BOT đã được ban hành như một trong những giải pháp giúp giảm chi phí kinh doanh cho DN. Theo đó, đã điều chỉnh mức thu phí của 29 trạm thu phí, vượt 10 trạm so với chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, vẫn còn một số trạm thu phí còn chưa giảm được vì nhà đầu tư không đồng ý với phương án giảm phí do ảnh hưởng đến việc trả nợ, trả lãi vay như đã tính toán trong hợp đồng.
Thực tế hoạt động của DN thời gian qua cho thấy, nhiều dự án BOT, điển hình là đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Long Thành - Dầu Dây mặc dù mục tiêu xây dựng là phục vụ chủ yếu vận tải hành khách công cộng và hàng hoá nhưng do phí cầu đường quá cao dẫn đến khi đưa vào khai thác các đối tượng này vắng bóng, phần lớn là xe con, xe cá nhân. Điều này cho thấy, mục tiêu của các dự án này không phục vụ được nhiều cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Quan tâm đến các dự án BOT, ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành cho biết, có những doanh nhân đã đầu tư vào công tác hạ tầng, xây dựng và quản lý đường cao tốc, đạt được sản lượng và chỉ tiêu rất cao.
Để có nguồn vốn thực hiện các dự án dường cao tốc, đòi hỏi cần nguồn vốn rất lớn, mà hiện nay ngân hàng trong nước có thể chưa hoàn toàn đáp ứng được. DN của ông Kiểm đã thống nhất bên phía Nhật sẽ lo toàn bộ vốn đầu tư với con số hàng tỷ USD để thực hiện các đường cao tốc Bắc-Nam cũng như một số tuyến đường khác và dự kiến cũng sẽ mua một số dự án BOT hiện nay do các công ty của nhà nước đang quản lý.
Song, theo ông Kiểm, khó khăn là các dự án đường cao tốc phải thực hiện trong thời gian dài nhưng tỉ giá thì luôn luôn thay đổi. Vì vậy DN này đề xuất Chính phủ có bảo lãnh về vấn đề tỉ giá để có thể thực hiện được dự án, thu hồi nguồn vốn và có một phần lợi nhuận. Nếu biến động tỉ giá lớn hơn thì được phép tăng thời gian thu phí.
Tiếp tục rà soát để giảm bớt chi phí
Để đạt được các mục tiêu của Nghị quyết – giảm chi phí kinh doanh cho DN, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh tích cực hơn nữa các nhóm giải pháp đã đề ra. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát lưu lượng phương tiện, kiểm soát doanh thu thực tế của dự án làm cơ sở để tính thời gian thu phí hoàn vốn và mức thu phí đối với các dự án BOT. Bộ Giao thông vận tải và các địa phương rà soát, khắc phục ngay các hạn chế, bất cập trong công tác quản lý dự án, vị trí đặt trạm thu phí, mức thu phí, đảm bảo minh bạch trong kiểm soát số liệu đầu vào, doanh thu thu phí; công khai các yếu tố như chi phí quản lý thu phí, lợi nhuận nhà đầu tư, lãi suất vay vốn, chi phí xây lắp công trình dự án…Đẩy nhanh công tác thu phí điện tử không dừng, áp dụng công nghệ mới, tin học hoá để đảm bảo công khai, minh bạch, tiết giảm chi phí hướng tới giảm mức phí cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần ban hành định mức về chi phí liên quan đến khai thác công trình BOT như: chi phí bảo trì đường bộ, chi phí trung tu đại tu, chi phí quản lý thu phí tuỳ theo quy mô và công nghệ thu phí; đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến, hạn chế công tác thủ công trong thu phí để giảm thất thoát doanh thu thu phí và tránh ùn tắc giao thông.
Các Bộ ngành cần quán triệt thực hiện đấu thầu công khai minh bạch trong lựa chọn các doanh nghiệp kết cấu hạ tầng thực hiện dự án BOT để có dự án tốt, hiệu quả tạo điều kiện giảm chi phí vận tải, logistic cho doanh nghiệp.
Cho ý kiến kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật thông qua việc tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp như: phí BOT, chi phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, chi phí về logicstic, chi phí sử dụng các công trình dịch vụ công, nhất là chi phí kiểm định, thẩm định, giám định, các chi phí kiểm tra khác của Nhà nước. “Đây là khoản đang đè nặng lên doanh nghiệp mà chúng ta phải nghiên cứu để giảm bớt cho doanh nghiệp. Có đồng chí đề nghị tôi năm nay đặt tên là “Năm giảm phí cho doanh nghiệp” – Thủ tướng nhấn mạnh.