Năm 2018, tỉnh Hà Tĩnh triển khai 1.781 gói thầu nhưng chỉ có 14 gói thầu được đấu thầu qua mạng. Ảnh: Lê Thanh Trường |
Theo Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng và Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng ĐTQM giai đoạn 2016 - 2025 thì từ năm 2018, các bộ, ngành Trung ương và địa phương phải thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 40% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 30% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện ĐTQM năm 2018 của nhiều bộ, ngành, địa phương không đảm bảo được tỷ lệ số lượng các gói thầu theo yêu cầu. Tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2018 của nhiều bộ, ngành, địa phương cho thấy, số lượng gói thầu được triển khai ĐTQM năm 2018 nhỏ hơn rất nhiều so với yêu cầu đặt ra, thậm chí, có đơn vị vẫn chưa triển khai ĐTQM gói thầu nào trong năm 2018.
Chẳng hạn, năm 2018, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu cho 239 gói thầu với tổng giá gói thầu là 595.044 triệu đồng nhưng không một gói thầu nào được áp dụng ĐTQM.
Khi báo cáo về tình hình thực hiện việc đăng tải thông tin trong đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng, một số địa phương không hiểu vì lý do gì đã báo cáo rất sơ sài, nêu chung chung như: phần lớn các chủ đầu tư, bên mời thầu đã thực hiện nghiêm túc công tác đăng tải thông tin trong đấu thầu và đã tự đăng tải thông tin lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định, mà né tránh việc báo cáo cụ thể về kết quả, các con số cụ thể của các gói thầu được ĐTQM.
Ở nhiều địa phương, đơn vị, số lượng gói thầu được ĐTQM vẫn rất khiêm tốn so với tổng số gói thầu. Chẳng hạn, năm 2018, tỉnh Lạng Sơn triển khai lựa chọn nhà thầu cho 1.801 gói thầu nhưng chỉ có 45 gói thầu ĐTQM (chiếm tỷ lệ 2%); tỉnh Bắc Kạn triển khai 912 gói thầu thì chỉ có 26 gói thầu ĐTQM (chiếm tỷ lệ 2,8%); UBND TP. Hải Phòng triển khai 2.182 gói thầu nhưng chỉ có 67 gói thầu ĐTQM (chiếm tỷ lệ 3%); tỉnh Hà Tĩnh triển khai 1.781 gói thầu nhưng chỉ triển khai ĐTQM 14 gói thầu (chiếm tỷ lệ 0,7%); Bộ Giao thông vận tải triển khai 1.131 gói thầu nhưng chỉ thực hiện ĐTQM 44 gói thầu (đạt tỷ lệ 3,8%)…
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, công tác triển khai ĐTQM chưa được thực hiện theo kế hoạch, lộ trình đưa ra là do điều kiện thực tế tại địa phương, các chủ đầu tư chưa nắm vững các quy định về lựa chọn nhà thầu qua mạng. Mặt khác là do cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các chủ đầu tư còn yếu nên việc triển khai ĐTQM là chưa thực hiện được theo kế hoạch.
Còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc lựa chọn nhà thầu qua mạng đảm bảo tính minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả cao. Tuy nhiên, số lượng các gói thầu lựa chọn nhà thầu qua mạng chưa nhiều. Một trong những lý do được nêu ra là các chủ đầu tư chưa quen với việc ĐTQM.
Còn Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Kạn cho rằng, việc tổ chức ĐTQM mang lại hiệu quả cao hơn về kinh tế, tăng cường tính minh bạch, công bằng trong đấu thầu. Các chủ đầu tư, bên mời thầu đã nhận thức rõ hiệu quả mang lại qua việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng, song so với lộ trình và kế hoạch giao thực hiện năm 2018 thì việc tổ chức ĐTQM vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra và chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Bên cạnh nhiều địa phương “né” báo cáo, đề cập cụ thể về ĐTQM, một số địa phương khác vẫn thẳng thắn thừa nhận những tồn tại trong công tác ĐTQM như không đảm bảo số lượng gói thầu được ĐTQM, nhân sự tham gia ĐTQM chưa đủ năng lực, kinh nghiệm… Tuy nhiên, rất ít địa phương đưa ra các giải pháp quyết liệt, căn cơ để đẩy mạnh thực hiện ĐTQM theo lộ trình trong thời gian tới.