Sau Bộ Tài chính, một số cơ quan đã bắt đầu áp dụng cơ chế khoán xe công (ảnh minh họa) |
Văn phòng Chính phủ mới đây vừa có công văn gửi Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này thống nhất với các nội dung trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước mà mới đây Bộ Tài chính soạn thảo, lấy ý kiến.
Công văn của Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, bản thân Văn phòng Chính phủ cũng đang xây dựng phương án khoán xe ô tô đối với các chức danh thuộc Văn phòng.
Cụ thể, các lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 đến 1,3 sẽ được áp dụng phương án khoán xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại. Khi đi công tác nội thành, đi sân bay và đi công tác địa phương thì những vị này sẽ được Văn phòng Chính phủ bố trí xe ô tô phục vụ.
Với những lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 đến dưới 1,25 sẽ khoán xe ô tô đi công tác nội thành và đi sân bay. Trường hợp đi công tác địa phương sẽ được Văn phòng Chính phủ bố trí xe ô tô phục vụ.
Theo dự thảo được Bộ Tài chính trình Thủ tướng xem xét, cơ quan này đã đề nghị thực hiện hình thức khoán kinh phí bắt buộc từ nơi ở đến nơi làm việc đối với chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên gồm: Thứ trưởng và tương đương ở Trung ương; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế do Thủ tướng quyết định thành lập.
Với công đoạn đi công tác thì các chức danh nói trên được bố trí xe phục vụ công tác chung hoặc nhận khoán kinh phí sử dụng xe hoặc thuê xe dịch vụ.
Trong quy định hiện hành tại Quyết định số 32 năm 2015 thì các chức danh này vẫn được bố trí xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác.
Có hai phương án xác định mức khoán kinh phí: Phương án 1, đưa chi phí sử dụng xe vào thu nhập với mức 6,5 triệu đồng/tháng. Mức khoán này được điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng/giảm trên 20%. Phương án 2, mức khoán kinh phí xác định trên cơ sở đơn giá và khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà đến cơ quan, khoảng cách đi công tác. Đơn giá khoán là 16.000 đồng/km, được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng/giảm trên 20%.
Ngoài ra, mới đây, Bộ Tài chính cũng đã hoàn thành dự thảo Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 trình Chính phủ. Dự thảo này đề ra mục tiêu tuyệt đối hạn chế mua sắm xe ô tô (trừ xe ô tô chuyên dùng) và trang thiết bị đắt tiền. Việc mua sắm mới xe ô tô của các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ được thực hiện khi đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định.
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết năm 2016, cả nước có 34.211 ô tô công. Trong đó, có 864 ô tô phục vụ chức danh; 17.047 xe phục vụ chung; 16.883 xe chuyên dùng. Chi phí ngân sách bỏ ra để "nuôi" xe hàng năm vào khoảng 320 triệu đồng/xe/năm bao gồm chi phí khấu hao, lương lái xe, xăng xe, bảo dưỡng, sửa chữa...
Năm 2016, cả nước mua mới thêm khoảng 820 ô tô công, trong đó khoảng 600 xe chuyên dùng. Tổng số xe ô tô công cả nước hiện nay có nguyên giá trên 22.000 tỷ đồng, giá trị còn lại khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng.