Đấu thầu qua mạng mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh Covid-19 kéo dài và phức tạp. Ảnh: Tiên Giang |
UBND tỉnh Sơn La cho biết, năm 2021, số lượng gói thầu ĐTQM đạt 88%; giá trị đạt 55% tổng giá trị các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi và chào hàng cạnh tranh.
Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Yên Bái cũng cho biết, năm 2021, Tỉnh đã thực hiện ĐTQM 570 gói thầu, đạt 97% về số lượng, trong đó đấu thầu rộng rãi qua mạng có 538 gói thầu; chào hàng cạnh tranh là 32 gói thầu.
Sở KH&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, năm 2021, địa phương đã tổ chức ĐTQM 1.618 gói thầu, chiếm tỷ lệ 97,24% tổng số gói thầu trong hạn mức ĐTQM, tổng giá gói thầu ĐTQM là 9.016,57 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 64,4% tổng giá gói thầu). Vĩnh Phúc là một trong những địa phương có tỷ lệ ĐTQM cao cả về số lượng và giá trị.
Còn UBND tỉnh Nghệ An cho biết, năm 2021, tỉnh đã tổ chức ĐTQM 100% gói thầu đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu từ 10 tỷ đồng trở xuống, các gói thầu xây lắp từ 20 tỷ đồng trở xuống. Tỉnh Nghệ An đã triển khai ĐTQM 632/677 gói thầu đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh (đạt tỷ lệ 93,35%), tương đương giá trị 3.496 tỷ đồng (đạt 74% về giá trị gói thầu)...
Trao đổi với Báo Đấu thầu, chuyên gia về đấu thầu cho biết, ĐTQM mang lại nhiều lợi ích cho cả chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu và nhà đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh Covid-19 kéo dài và phức tạp như thời gian qua. Lợi ích của ĐTQM có thể nhận thấy là tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên; hạn chế tình trạng lây lan bệnh tật, cản trở sự tham gia của nhà thầu do hệ lụy dịch bệnh Covid-19 gây ra, nhất là trong giai đoạn nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Bên cạnh đó, tỷ lệ ĐTQM thời gian qua tăng mạnh thể hiện sự quan tâm chỉ đạo, quyết tâm thực hiện ĐTQM của các địa phương trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đấu thầu, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2021, nhiều địa phương đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, bên mời thầu, ban quản lý dự án... trên địa bàn tăng cường thực hiện ĐTQM. Sau khi Bộ KH&ĐT có Công văn số 5680/BKHĐT-QLĐT yêu cầu địa phương tăng cường ĐTQM để hạn chế sự lây lan dịch bệnh và tạo điều kiện cho nhà thầu tham gia đấu thầu, các địa phương đã quán triệt đến các chủ đầu tư, bên mời thầu trên địa bàn đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện ĐTQM. Nhờ đó, một số gói thầu được tổ chức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh không qua mạng đã được điều chỉnh sang ĐTQM, tạo điều kiện cho các nhà thầu ở địa bàn, địa phương khác tham gia đấu thầu ở những vùng đang có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đảm bảo hiệu quả công tác đấu thầu.