Trước đó, một cuộc điều tra của nhật báo Anh này cho thấy quảng cáo của nhiều thương hiệu lớn trên thế giới bị đặt cạnh các video có nội dung cực đoan, bạo lực trên YouTube. Chúng đã đem lại nguồn thu không nhỏ cho những người đăng tải các đoạn video này.
Chiến dịch điều tra tại Anh đã khiến hơn 250 thương hiệu rút quảng cáo trên Google. Google sau đó đã xin lỗi và cam kết cải tiến công cụ của mình.
Một quảng cáo của Walmart xuất hiện cạnh video của một kẻ cực đoan.
Dù vậy, sự việc này có vẻ đã thu hút sự chú ý của cả ngành quảng cáo tại Mỹ. Nó đang gây ra vấn đề lớn cho Google, trong bối cảnh hãng này tìm cách trấn an các thương hiệu rằng tiền quảng cáo của họ không đổ về túi các nhóm khủng bố.
Theo The Times, quảng cáo của Verizon xuất hiện cạnh các video của Wagdi Ghoneim - một mục sư đã bị Mỹ cấm cửa vì cực đoan, và video của Hanif Qureshi - một người Pakistan.
AT&T cũng cho biết trong một thông báo hôm qua: "Chúng tôi lo ngại rằng quảng cáo của mình có thể xuất hiện cùng các nội dung mang tính thù địch trên YouTube. Cho đến khi Google có thể đảm bảo việc này không tái diễn, chúng tôi sẽ rút toàn bộ quảng cáo trên các nền tảng phi tìm kiếm của họ".
Trong một bài viết trên blog cá nhân hôm đầu tuần, Giám đốc Kinh doanh của Google - Philipp Schindler thông báo công ty này đang mở rộng các chính sách về nội dung mang tính thù địch.
Khi được hỏi về làn sóng tẩy chay từ các thương hiệu Mỹ, Google cho biết: "Chúng tôi đang xem xét kỹ lưỡng các chính sách và đã cam kết sẽ thay đổi để giúp các hãng kiểm soát tốt hơn về nơi hiển thị quảng cáo của mình. Chúng tôi cũng sẽ nâng tiêu chuẩn về chính sách quảng cáo để bảo vệ tốt hơn thương hiệu của khách hàng".
Google hiện là cái tên thống trị trong mảng quảng cáo online toàn cầu. Quảng cáo cũng là nguồn thu lớn nhất của họ. Năm 2016, hãng này có tới 80 tỷ USD doanh thu từ hoạt động này - chiếm gần 90% tổng thu năm ngoái.