Nhật xem xét khả năng tung đòn phủ đầu vào Triều Tiên

Sau các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, giới lập pháp Nhật Bản đang tìm cách thay đổi chính sách quân sự của nước này.

Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản

Lo ngại trước tiến bộ quân sự của Triều Tiên, các nghị sĩ Nhật Bản đang gia tăng áp lực với Quốc hội để phát triển khả năng đánh phủ đầu nhằm vào những căn cứ tên lửa của Bình Nhưỡng, Reuters ngày 8/3 đưa tin.

Nhật Bản luôn né tránh các hành động có thể gây tranh cãi và tốn kém như mua máy bay ném bom, tên lửa hành trình tầm xa. Họ chỉ sử dụng lực lượng phòng vệ với chức năng chính là phòng thủ, trong khi hoạt động tác chiến tầm xa do Mỹ đảm nhiệm.

Tuy nhiên, mối đe dọa từ Bình Nhưỡng, bao gồm vụ phóng 4 tên lửa đạn đạo cùng lúc hôm 6/3, đã khiến nhiều nghị sĩ Nhật Bản tính tới khả năng tấn công phủ đầu, cho rằng đó là cách phòng thủ tốt nhất đối với Tokyo.

"Nếu máy bay hoặc tàu chiến tấn công Nhật Bản, chúng ta sẽ đáp trả. Việc tấn công một quốc gia phóng tên lửa về phía chúng ta cũng giống như vậy. Công nghệ đã phát triển và bản chất xung đột cũng thay đổi", cựu bộ trưởng quốc phòng Itsunori Onodera, nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do (LDP) cho biết.

Nhật Bản gần đây đã nới rộng những hạn chế được quy định trong Hiến pháp được đưa ra từ sau Thế chiến II. Nhiều đời chính phủ cho rằng Tokyo có quyền tấn công căn cứ quân sự ở nước ngoài khi đối phương có ý định tấn công Nhật Bản rõ ràng, mối đe dọa là cấp bách và không có lựa chọn nào khác.

Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản trong một cuộc biểu diễn

Đảng LDP cũng đang thúc đẩy chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe xem xét khả năng mua vũ khí tiến công tầm xa.

"Đã đến lúc chúng ta sở hữu khả năng đánh phủ đầu. Tôi không cần biết đó là tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình hay tiêm kích F-35, nhưng nếu không có vũ khí răn đe, Triều Tiên sẽ coi chúng ta là những kẻ yếu đuối", ông Hiroshi Imazu, chủ tịch hội đồng chính sách an ninh của LDP phát biểu.

Nếu sở hữu vũ khí đủ tầm bắn tới Triều Tiên, Nhật Bản cũng có thể nhắm vào một phần bờ biển phía đông của Trung Quốc,  điều chắc chắn sẽ làm Trung Quốc giận dữ. Nước này đang phản đối quyết liệt việc Mỹ triển khai tổ hợp phòng không THAAD tại Hàn Quốc.

Mạng lưới phòng thủ chống tên lửa đạn đạo của Nhật vẫn chưa thể đánh chặn trên ba tên lửa cùng lúc. Một giải pháp hiệu quả hơn là triển khai tên lửa đối đất trên đảo Yonaguni, đủ sức bắn tới cả Triều Tiên và Trung Quốc. Bên cạnh đó là tên lửa hành trình tầm xa JASSM cho tiêm kích F-35.

Tuy nhiên, việc thiếu khả năng theo dõi các dàn phóng tên lửa di động của Triều Tiên sẽ là trở ngại lớn. Nhiều quan chức Nhật Bản lo ngại rằng chiến thuật tấn công phủ đầu sẽ không đủ hiệu quả, khiến Triều Tiên có thể phản công trên quy mô lớn.

"Một cuộc tấn công có thể coi là để tự vệ, nhưng chúng ta phải xem xét tới những phản ứng mà nó gây ra", một nhà lập pháp giấu tên thuộc LDP cho hay. 

Chuyên đề