Nhập cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, bắt đầu từ đâu?

(BĐT) - Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) được nhắc đến nhiều trong khoảng 2 năm trở lại đây nhưng không ít doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn còn khá mơ hồ, chưa sẵn sàng. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Trong khi đó, tác động và ảnh hưởng của cuộc cách mạng này diễn ra từng ngày, từng giờ khiến DN Việt Nam có thể tụt hậu nhanh so với khu vực và thế giới.

Mức độ sẵn sàng rất thấp

Trong một báo cáo gần đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về sự sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai, Việt Nam được xếp trong nhóm nước chưa có sự sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0.

Trước đó, Công ty CP Tập đoàn Công nghệ CMC - một DN công nghệ có tiếng ở Việt Nam cho biết, có tới 27% DN vẫn còn cho rằng CMCN 4.0 có “tác động ít”, “không tác động” tới các DN hoặc “không biết”. 55% cho rằng cuộc cách mạng này có tác động lớn. Tuy vậy, chỉ có khoảng 19% DN đã và đang có kế hoạch triển khai chiến lược ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng này vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Nghiên cứu của Công ty CP Tập đoàn Công nghệ CMC cho thấy, gần như các DN không quan tâm tới CMCN 4.0 vì họ cảm thấy không liên quan và ảnh hưởng của các xu thế công nghệ đến ngành/lĩnh vực của mình không lớn, hoặc chưa hiểu rõ bản chất của cuộc cách mạng này nên chưa có nhu cầu quan tâm.

Ông Nguyễn Hoàng Thắng, Trưởng phòng Thương mại điện tử của Viện Tin học thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, mặc dù VCCI đã bắt đầu xây dựng cộng đồng mở về Internet vạn vật (IOT) từ năm 2017, nhưng thực tế cho thấy, nhiều DN, cơ quan quản lý nhà nước ở cả Trung ương và địa phương vẫn còn khá bỡ ngỡ. Một số vẫn chỉ mới nắm bắt ở dạng nhận thức, nhưng thực tế cần chuyển mình như thế nào thì còn khá mơ hồ.

Ở góc nhìn của cơ quan quản lý, ông Đào Ngọc Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ có đánh giá lạc quan hơn. Theo ông Chiến, mặc dù chỉ tiêu về năng lực sẵn sàng của Việt Nam còn thấp, nhưng lại được đánh giá cao về những chỉ tiêu khác như: Tiềm năng nguồn nhân lực, cơ chế chính sách dành cho đổi mới sáng tạo... Đánh giá một cách tổng thể, năng lực tiếp cận của chúng ta chưa ở mức cao, tức là đang ở mức trung bình, chứ không phải là ở mức thấp.

Ông Đào Ngọc Chiến dẫn chứng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những phản ứng khá nhanh nhạy với cuộc CMCN 4.0, thể hiện ở việc ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 16), chủ trương triển khai Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ gắn với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ số... Phản ứng này được đánh giá là nhanh và sớm hơn so với các quốc gia lân cận. 

Bắt đầu từ đâu?

Nhiều chuyên gia cho rằng, không nên nghĩ CMCN 4.0 như một cái gì đó quá to tát, là một cuộc đổ bộ, một cuộc tấn công trên quy mô toàn diện và cùng lúc trên tất cả các “mặt trận”. Thuật ngữ “CMCN 4.0” liên quan đến “làn sóng thay đổi” lần thứ tư trong sản xuất công nghiệp thời hiện đại tiếp theo cuộc cách mạng công nghiệp tinh gọn sản xuất của thập niên 1970, hiện tượng thuê gia công của những năm 1990, sự phát triển mạnh của tự động hóa vào những năm 2000. CMCN 4.0 gắn với 9 công nghệ, trong đó có công nghệ người máy tự điều khiển, mô phỏng, tích hợp hệ thống ngang - dọc và điện toán đám mây. Việc ứng dụng những công nghệ này có thể tạo điều kiện cho DN nhanh chóng nâng cao năng suất sản xuất công nghiệp.

Theo ông Đào Ngọc Chiến, nhận thức được những tác động và ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0 là một chuyện, nhưng quan trọng hơn, DN cần biến nhận thức đó thành hành động, nâng cao năng lực tiếp cận và ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng này vào thực tế sản xuất, kinh doanh của mình. Với sự hội tụ công nghệ và phương thức sản xuất mới, cuộc CMCN 4.0 có tác động rất lớn đến nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực thâm dụng lao động như da giầy, dệt may, điện tử... có nguy cơ đào thải lao động, thay thế bằng tự động hóa rất lớn.

Ông Lê Khánh Mạnh, Tổng giám đốc Công ty Delco Eco Farm cho biết: “Chúng tôi đã triển khai hệ thống tự động hóa thông qua áp dụng hệ thống giám sát thông số môi trường sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi; kiểm soát các yếu tố đầu vào như người làm trực tiếp, kiểm soát lượng thức ăn, phân bón...; kiểm soát mức độ an toàn; tính toán hiệu suất lao động; điều chỉnh các giải pháp cần thiết nhưng bảo đảm sự gần gũi và dễ sử dụng nhất”.

Ông Mạnh chỉ rõ, trước đây, khi chưa áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc kiểm soát chi phí phụ thuộc vào người lao động, trong khi đó ý thức và tính chặt chẽ của người lao động không cao. Thông qua ứng dụng công nghệ sẽ theo dõi được sát các khâu, có sự điều chỉnh kịp thời, tiết kiệm chi phí đầu vào, kiểm soát được mức độ an toàn và tăng năng suất. Một khi đã có máy móc thì người cũng phải đi theo máy, tăng năng suất lao động nhờ có những mục tiêu cụ thể.

Theo ông Nguyễn Hoàng Thắng, CMCN 4.0 thâm nhập, đi vào từng lĩnh vực cụ thể, sản phẩm cụ thể hay đơn giản là các ứng dụng trong quản trị DN. Bằng những sản phẩm điển hình, sau đó là sự nhân rộng công nghệ để từng bước sử dụng công nghệ cốt lõi, thông qua đó nâng cao nhận thức của người dân, DN, tăng cường dần năng lực tiếp cận.

Chuyên đề