Nhanh chóng có thêm giải pháp cứu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc Chính phủ chưa báo cáo Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng được nhiều chuyên gia nhận định là phù hợp, cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong kiên định mục tiêu kép. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch bệnh lần này, trong đó đã tấn công vào các khu công nghiệp lớn và hai đầu tàu kinh tế của cả nước, sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng các tháng cuối năm, đồng thời duy trì được nền tảng cho phục hồi.
Bên cạnh triển khai nhanh các gói hỗ trợ đã ban hành, một số chuyên gia cho rằng, cần thêm gói giải pháp tài chính mới cho khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Lê Tiên
Bên cạnh triển khai nhanh các gói hỗ trợ đã ban hành, một số chuyên gia cho rằng, cần thêm gói giải pháp tài chính mới cho khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Lê Tiên

Làn sóng bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, triển vọng tăng trưởng năm 2021 càng thách thức nhiều hơn. Trong báo cáo cập nhật mới nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hạ dự báo tăng trưởng năm nay của Việt Nam xuống 5,8%. Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo tăng trưởng ở mức 5,8 - 6%. Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) trong báo cáo quý II dự báo tăng trưởng năm nay ở mức 4,5 - 5,1% trong kịch bản cơ sở.

Báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ nhất, Chính phủ đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng, tương ứng chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 6% và chỉ tiêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ là 6,5%. Dù chưa đề xuất thay đổi chỉ tiêu tăng trưởng, nhưng Chính phủ xác định để đạt được kịch bản tăng trưởng là vô cùng khó khăn, thách thức.

Theo VEPR, kinh tế Việt Nam trong quý II/2021 tăng trưởng 6,61%, đạt được dựa trên nhiều yếu tố như Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh trước đó giúp duy trì hoạt động kinh tế trong nước; các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang mở cửa trở lại và các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tận dụng tốt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để phục hồi quy trình sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Các khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, xây dựng tăng trưởng cao hơn trong 6 tháng đầu năm… Tuy nhiên, VEPR nhận định, con số GDP 6 tháng đầu năm 2021 không phản ánh hết được những khó khăn mà nền kinh tế gặp phải. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay và sự tụt hậu về tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 sẽ ảnh hưởng lớn đến đà phục hồi tăng trưởng.

Triển vọng tăng trưởng thời gian tới, theo VEPR, phụ thuộc nhiều vào tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine, hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch bệnh, các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, Việt Nam cần xử lý nhanh các bất cập liên quan đến đứt gãy trong lưu thông hàng hóa. Chính sách tài khóa nên tập trung thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng lớn làm nền tảng cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Chính sách tiền tệ thích ứng nên được thực hiện với tăng trưởng cung tiền được kiểm soát ở mức phù hợp (10%) và các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải…

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền - tệ quốc gia cho rằng, bên cạnh triển khai nhanh các gói hỗ trợ đã ban hành, cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Lực đề xuất có gói hỗ trợ lãi suất mới quy mô khoảng 50 - 60 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho một số lĩnh vực, ngành nghề, một số địa phương. Doanh nghiệp chỉ phải trả lãi suất vay từ 4 - 5%, phần còn lại 3 - 4% sẽ được hỗ trợ, thời hạn hỗ trợ trong 1 năm. “Với gói này Chính phủ phải bỏ tiền ngân sách ra khoảng 3 nghìn tỷ đồng, không quá lớn, nhưng là cú hích rất lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Cấn Văn Lực nhận định. Song song với đó, cần tìm kiếm những động lực tăng trưởng bổ sung, thay thế, tận dụng cơ hội thúc đẩy vào các thị trường sớm hồi phục như đã và đang làm tốt trong thời gian vừa qua. Đồng thời, đẩy nhanh hơn nữa giải ngân đầu tư công, tiếp tục các nỗ lực phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế số, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đánh giá cao gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng, nhưng với khó khăn của doanh nghiệp thì chỉ như muối bỏ biển. Do đó, ông Hiếu cho rằng cần có thêm gói giải pháp tài chính mới cho doanh nghiệp. Đề xuất được ông Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh là lập tổ hợp tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, gồm tất cả ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam với mức tham gia 3% tổng dư nợ của mỗi ngân hàng, tổng hạn mức cho vay 300 nghìn tỷ đồng…

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhấn mạnh, khu vực tư nhân đang kiệt quệ là khó khăn rất lớn với nền kinh tế thời gian tới. Khu vực kinh tế thực ốm yếu sẽ nhanh chóng truyền dẫn vào khu vực tài chính, ngân hàng. Vì thế, ưu tiên lớn nhất vẫn phải là tháo gỡ khó khăn của khu vực doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế lưu ý, lạm phát hiện chưa phải là mối đe dọa kinh tế vĩ mô, nhưng rủi ro đang tích tụ, nhiều sức ép gia tăng do chi phí sản xuất tăng cao, trước sau sẽ phản ánh trong giá tiêu dùng. Bên cạnh đó, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng do các biện pháp phòng chống bệnh dịch có thể khiến giá cả tiêu dùng tạm thời tăng mạnh trong các tháng cuối năm.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề