Ảnh minh họa: Internet |
Nhiều “nút thắt” cần gỡ bỏ
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến hết 30/6/2018, hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong hơn 10 tháng có hiệu lực của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42). Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, tổng số nợ xấu được xử lý là trên 58 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tốc độ xử lý nợ xấu trong nửa đầu năm nay đang chậm lại so với khoảng thời gian từ lúc Nghị quyết 42 có hiệu lực đến hết năm 2017. Khi xử lý nợ xấu gặp khó, vai trò và năng lực của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là điều đáng bàn.
Đánh giá về năng lực VAMC, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng, công ty này đã làm tròn trách nhiệm và góp phần làm giảm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng dù kết quả chưa được như mong đợi.
Theo ông Lực, tiến độ xử lý nợ xấu chậm không chỉ do VAMC mà còn do sự thiếu tích cực của nhiều cơ quan khác nhau. Sự thiếu tích cực này thể hiện rõ nhất ở việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị quyết 42 liên quan đến các nội dung về thuế khi chuyển nhượng các khoản nợ, quy trình rút gọn tại tòa án trong các vụ việc xử lý nợ xấu và việc xây dựng thị trường mua bán nợ còn chậm.
“Bên cạnh đó, việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam là vô cùng phức tạp vì phải qua nhiều khâu, nhiều bên. Có khoản nợ xấu phải mất 2 - 3 năm, thậm chí 5 năm mới xử lý được. Việc đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm liên quan đến nợ xấu vẫn còn khó khăn vì khâu định giá ban đầu chưa hoàn toàn sát so với thị trường nên nhiều khoản phải bán đi bán lại”, ông Lực nói.
Không chỉ gặp trở ngại từ nhiều phía, bản thân VAMC cũng hạn chế về nhiều mặt. Về vốn, công ty này đã được tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng từ cuối năm 2015, song số tiền này là quá eo hẹp so với quy mô nợ xấu cần xử lý trên thị trường. Ngoài ra, ông Lực cho rằng: “Đội ngũ cán bộ của VAMC đã được tăng cường nhưng vẫn thiếu nguồn nhân lực chuyên môn tốt về pháp lý, nợ xấu. Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin về nợ xấu còn khá thô sơ khiến cho quá trình lưu trữ hồ sơ, số liệu báo cáo thống kê rất mất thời gian và cản trở tiến độ xử lý nợ xấu”.
Bình luận về vai trò của VAMC trong nỗ lực xử lý nợ xấu của cả hệ thống ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm: “Không nên đổ lỗi cho VAMC vì đây chỉ là công cụ được đặt ra để xử lý tạm thời nợ xấu, được ví như một bãi đỗ xe. Thực chất, VAMC chưa được trang bị đầy đủ như một cơ quan xử lý nợ xấu trong khi nhiều người đặt quá nhiều kỳ vọng. Vốn mỏng, nhân lực yếu, pháp lý chưa cụ thể thì khó kỳ vọng công ty này có thể gỡ được nhiều nút thắt cho bài toán nợ xấu của cả hệ thống”.
Thị trường nợ vẫn là “phiên chợ chiều”
Việc hình thành thị trường mua bán nợ đã được đề cập tại Nghị quyết 42, song đến nay chưa có những động thái rõ rệt từ các cơ quan chức năng về lộ trình thực hiện và phát triển. Việc mua bán nợ xấu vẫn được thực hiện theo nhu cầu giữa các đối tác trên thị trường với 3 “người chơi” chủ chốt là VAMC, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và các công ty quản lý tài sản (AMC) trong các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, một thị trường mua bán nợ hoàn chỉnh, tạo tính thanh khoản tốt trên thị trường không thể vắng bóng các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước.
“Các nhà đầu tư chưa để mắt đến bởi vì thị trường mua bán nợ của Việt Nam còn quá sơ khai, khung khổ pháp lý gần như chưa có”, ông Hiếu phân tích. “Chẳng hạn, tôi muốn mua 100 tỷ đồng nợ xấu của một ngân hàng nào đó với tài sản thế chấp là một số căn biệt thự. Nhưng mua xong tôi lại không được tuỳ ý sử dụng mà căn biệt thự vẫn bị niêm phong. Như vậy, tiền đầu tư mua nợ của tôi bị chôn chân ở khối bất động sản đó. Mua nợ như vậy chẳng khác nào việc tôi trở thành chủ nợ thế chân cho chủ nợ trước mà không thể khiến khoản đầu tư của mình sinh lời được. Vậy thì có tiền tôi cũng không mua. Thị trường mua bán nợ vẫn chỉ là phiên chợ chiều với lác đác người tham gia”.
Chia sẻ góc nhìn về vấn đề này, ông Cấn Văn Lực cho rằng, đây không phải là thị trường mới nhưng chưa có thị trường chính thức. “Cần xây dựng được thị trường hoàn chỉnh để các hoạt động mua bán nợ có thể diễn ra công khai, minh bạch, sôi nổi. Cần có cả thị trường thứ cấp để có thể mua đi bán lại không chỉ nợ xấu mà cả nợ bình thường. Qua đó, câu chuyện liên quan đến mua bán nợ xấu theo giá thị trường mới được thực hiện tốt hơn”, ông Lực nói thêm.