Cố ý cung cấp thông tin không trung thực trong HSDT dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu là hành vi bị cấm trong đấu thầu. Ảnh: Tiên Giang |
Đổi tên sau khi "né án" bị cấm đấu thầu
Theo điều tra của Báo Đấu thầu, UBND tỉnh T từng có văn bản gửi Cục Quản lý đấu thầu (QLĐT) thuộc Bộ KH&ĐT về việc kê khai hợp đồng tương tự trong hồ sơ dự thầu (HSDT) của gói thầu đường giao thông. Từ những thông tin được cung cấp, địa phương này cho biết, qua xác minh, có một nhà thầu đã cố tình cung cấp các thông tin không trung thực về hợp đồng xây lắp tương tự phù hợp với yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT). Từ những thông tin được cung cấp bởi địa phương này, Cục QLĐT cho rằng nhà thầu đã vi phạm hành vi bị cấm trong đấu thầu và nhà thầu sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu.
Chủ đầu tư của gói thầu nêu trên cho biết, sau khi có ý kiến của Cục QLĐT, chủ đầu tư này đã ra quyết định hủy kết quả đấu thầu và tổ chức đấu thầu lại đối với gói thầu này. Mặc dù vậy, tại quyết định hủy kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu này, hành vi cố ý cung cấp thông tin không trung thực của nhà thầu trong HSDT dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu không được nhắc đến. Quan trọng hơn, với hành vi bị cấm trong đấu thầu, nhà thầu sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 1 đến 3 năm theo hướng dẫn của Cục QLĐT đã không được chủ đầu tư này thực hiện. Theo phản ánh của một số cán bộ thuộc cơ quan đại diện chủ đầu tư này, nhà thầu này là mối ruột của người đứng đầu chủ đầu tư này lúc đó, nên đã được “giơ cao đánh khẽ”.
Điều đáng nói, chỉ sau đúng 5 tháng thoát án phạt bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu, theo điều tra của Báo Đấu thầu, nhà thầu nêu trên đã làm thủ tục đổi tên. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM xác nhận với Báo Đấu thầu rằng, ngày 5/4/2014, nhà thầu đã từng bị Cục QLĐT đề nghị cấm tham gia hoạt động đấu thầu nêu trên đã thực hiện xin được cấp đăng ký đổi tên khác. Theo nội dung của giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của nhà thầu này, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM khẳng định, địa chỉ trụ sở chính cũng như người đại diện theo pháp luật của nhà thầu này vẫn không thay đổi. Do đó, nhận định của nhiều nhà thầu đối với những diễn biến cho thấy khả năng “ve sầu thoát xác” của nhà thầu này rất cao. Bởi nếu cơ quan có thẩm quyền thực hiện nghiêm những ý kiến của Cục QLĐT, nhà thầu tất nhiên bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, vì đã “thoát án” một cách ngoạn mục, nhà thầu này cũng đã được đặt vào nghi vấn của cơ quan quản lý đấu thầu cấp cao hơn, do đó, động thái đổi tên là dễ hiểu. Với tên mới, sử dụng toàn bộ thông tin, năng lực và hồ sơ cũ, nhà thầu này vẫn ngang nhiên đi tham gia đấu thầu khắp nơi. Nếu không có những điều tra sâu, nhà thầu này vẫn tự tin với tên mới, lý lịch cũ.
Kẽ hở cho chiêu “ve sầu thoát xác”
Đại diện Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu thuộc Cục QLĐT chia sẻ rằng, việc chủ đầu tư phát hiện những hành vi vi phạm của nhà thầu không phải là ít. “Nhưng đa phần các chủ đầu tư thường lờ đi các vi phạm này của nhà thầu để mọi chuyện êm đẹp. Do đó, danh tính và sai phạm của nhà thầu ít khi được công khai để cho các chủ đầu tư khác tham khảo” - vị đại diện này cho biết. “Nếu cơ quan có trách nhiệm lại xử lý nhà thầu không nghiêm, sẽ dẫn đến việc các nhà thầu có vi phạm mà không bị xử lý, tiếp tục đi đấu thầu tại nhiều gói thầu khác, trong khi các chủ đầu tư khác không có cơ sở và thông tin để loại bỏ ngay từ đầu”, một chuyên gia nhận xét.
Dữ liệu cập nhật thông tin nhà thầu vi phạm có đầy đủ, cập nhật và phục vụ hiệu quả cho công tác đấu thầu như thế nào phụ thuộc vào ý thức và trách nhiệm thực thi Luật Đấu thầu của các chủ đầu tư. Do đó, để tránh chiêu thức tinh vi “ve sầu thoát xác” của những nhà thầu có nhiều mờ ám về năng lực, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các chủ đầu tư.