Ông Trần Bảy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Phùng Hưng
Trong quá trình thực hiện các dự án, công trình này, chúng tôi gặp không ít khó khăn cần tháo gỡ.
Khó khăn đầu tiên là khâu giải phóng mặt bằng. Thực tế cho thấy, tại một số dự án giao thông, hạ tầng, diện tích đất và khối lượng tài sản hình thành trên đất cần giải phóng và thu hồi lớn, trong khi đó, cơ chế, chính sách đền bù chưa linh hoạt, thỏa đáng, dẫn tới sự không đồng thuận của chủ thể hưởng bồi thường, làm kéo dài tiến độ dự án. Đơn cử có những hợp đồng xây dựng được ký kết với thời gian thực hiện chỉ trong 12 tháng, tuy nhiên, sau 4 - 5 tháng, Nhà thầu vẫn chưa được bàn giao mặt bằng để thi công. Để hoàn thành cam kết, Nhà thầu phải dốc sức thi công, dẫn đến chi phí phát sinh gấp 1,5 lần giá trị hợp đồng. Với những trường hợp này, rủi ro thường bị đẩy về phía nhà thầu.
Bên cạnh đó là tình trạng báo giá của cơ quan quản lý nhà nước chưa bám sát diễn biến thị trường. Hiện tại, biên dao động giá vật liệu xây dựng như thép, xi măng... đã hẹp lại. Tuy nhiên, 2 loại vật liệu cát và đất đắp vẫn là mối lo với các nhà thầu. Tại nhiều công trình, giá cát xây dựng mà nhà thầu đang phải chi trả thực tế ở mức 360.000 đồng/m3, trong khi đó, báo giá do Liên sở Tài chính - Xây dựng công bố là khoảng 250.000 đồng/m3. Đối với đất đắp nền dùng trong thi công các khu tái định cư, giá chở đến chân công trình đang dao động khoảng 130.000 đồng - 140.000 đồng/m3, tuy nhiên, giá dự toán xây dựng chỉ ở mức 90.000 đồng/m3... Do vậy, cần có sự rà soát, điều chỉnh, cập nhật từ các cơ quan chức năng để thị trường vật liệu xây dựng ổn định hơn.