Nhà phố cho thuê tại TP.HCM lao đao vì Covid-19 lần thứ 4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đợt bùng dịch Covid-19 thứ 4 với tốc độ lây lan nhanh đã "giáng đòn mạnh" lên thị trường nhà phố cho thuê ở TP.HCM.
Thị trường nhà phố cho thuê đang đối diện với một thử thách rất lớn, khi chủ nhà không còn ở “kèo trên” như trước đây do bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Ảnh: Ngô Bảo Tín
Thị trường nhà phố cho thuê đang đối diện với một thử thách rất lớn, khi chủ nhà không còn ở “kèo trên” như trước đây do bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Tìm những giải pháp mới để sinh tồn

Thị trường nhà phố cho thuê đang đối diện với một thử thách rất lớn, khi chủ nhà không còn ở “kèo trên” như trước đây, mà đã và đang có những giải pháp mới để sinh tồn, nhằm thích ứng với tình trạng khó khăn chung do dịch bệnh gây ra.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu, từ tháng 5/2021, nhiều mặt bằng thuê ở những quận trung tâm TP.HCM dù đang trong giai đoạn sửa chữa nhưng đành chấp nhận thua lỗ và tiến hành trả lại.

Những thay đổi trong chiến lược của các nhà bán lẻ là điều dễ hiểu, bởi qua 3 đợt chống chọi với giá thuê mặt bằng khá cao giữa "tâm bão Covid-19" vốn đã đuối sức. Để thích ứng với đại dịch lần này, các nhà bán lẻ đã chọn phương thức đẩy mạnh bán hàng qua thương mại điện tử.

Đây chính là lý do dẫn đến tỷ lệ lấp đầy tăng trưởng chậm trên thị trường bất động sản bán lẻ. Trong khi nhà phố căn góc tại những tuyến đường lưu thông cao có tỷ lệ được thuê tốt hơn, thì những khu vực khác, ngay cả những mặt bằng sầm uất như Hồ Tùng Mậu, Huỳnh Thúc Kháng, Đồng Khởi (Quận 1), tỷ lệ lấp đầy cũng bị ảnh hưởng không ít.

Chênh lệch cung cầu đang tăng theo diễn biến phức tạp của tình hình đại dịch. Đa số chủ nhà phố đồng ý hợp tác đàm phán để hỗ trợ giảm từ 20 - 40% cho thời gian giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 nhằm giữ được hợp đồng thuê, bởi tình hình bội cung đang có xu hướng tăng lên.

Các công ty nghiên cứu thị trường khẳng định, hiện khách thuê dẫn dắt thị trường, còn chủ nhà đang giảm dần sự lạc quan và đã bắt đầu tiếp nhận việc thương lượng để có thể cho thuê mặt bằng.

Giá thuê tiếp tục lao dốc khi những khảo sát gần đây cho thấy, để giữ chân khách thuê hiện tại, chủ nhà phải giảm giá thuê, trong khi với các mặt bằng đang chào thuê, chủ nhà phải đối mặt với yêu cầu giảm từ 20 - 40% giá chào thuê hiện tại.

Kỳ vọng sẽ có nhiều tín hiệu tích cực trong dài hạn

Chủ một căn nhà ở đường Điện Biên Phủ, Quận 3, TP.HCM cho biết: "Do con đường này một chiều, nên kể từ khi dịch bùng phát trở lại, đành phải đóng cửa, dù đã giảm giá gần 50%". Dù đã cam kết việc cho thuê với giá như trên thời hạn hợp đồng duy trì ở mức 3 đến 5 năm không tăng giá nhưng khách hàng vẫn đắn đo.

Nhiều chủ nhà khác cho hay, trong các đợt giãn cách trước đây, dù đã chia sẻ khó khăn với khách thuê bằng cách giảm giá, nhưng nếu tình trạng này cứ tiếp tục, thì sớm muộn gì cũng quá sức chịu đựng, bởi không phải ai sở hữu những căn nhà nói trên cũng dư giả về tài chính, mà nhiều người trong số đó phải đi vay ngân hàng.

“Chúng tôi đã nghĩ đến giải pháp tìm kiếm khách thuê mới và ưu tiên cho khách thuê văn phòng, trụ sở công ty vì nhóm khách này ít bị ảnh hưởng hơn so với ngành bán lẻ”, chủ một nhà phố cho thuê ở khu vực Thảo Điền, Quận 2, TP.HCM chia sẻ.

Theo bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý mặt bằng thương mại bán lẻ tại Savills TP.HCM, thống kê từ thị trường năm 2020 đến nay cho thấy, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí và thời trang, nhất là các chuỗi cửa hàng, đang là những ngành phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời kỳ đại dịch.

Tuy nhiên, nhóm ngành vui chơi giải trí dù chịu thiệt hại nặng nhưng đa số lại nằm trong mặt bằng trung tâm thương mại nên được các chủ đầu tư lớn hỗ trợ tương xứng hơn nếu so sánh với nhà phố.

Về dài hạn, để giảm tổn thất lâu dài, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi kinh doanh sang hình thức trực tuyến khi thương mại điện tử tăng đột biến trong thời gian qua, đồng thời tiến hành trả nhiều mặt bằng kinh doanh không hiệu quả để giảm chi phí thuê mặt bằng và nhân công.

Nhờ tích cực đầu tư nhanh chóng cho kênh online, tỷ lệ doanh thu bán trực tuyến của một số ngành như mua sắm thời trang, mỹ phẩm và ăn uống đã bù vào sự thiếu hụt doanh thu tạo ra tại cửa hàng. Nhất là ngành ăn uống đang có tỷ trọng kênh online chiếm từ 20 - 60% tổng doanh thu.

Các chuyên gia bất động sản nhận định, trong ngắn hạn, thị trường nhà phố cho thuê có thể tiếp tục đối mặt với việc trả hoặc giảm bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí từ các khách thuê hiện tại và khó khăn trong việc tìm kiếm khách thuê mới.

Trong dài hạn, thị trường mặt bằng bán lẻ nói chung và thị trường nhà phố cho thuê nói riêng được kỳ vọng sẽ có nhiều tín hiệu tích cực. Các chỉ số vĩ mô vẫn được dự báo tăng trưởng mặc dù có chậm lại, doanh thu bán lẻ hàng hóa tại TP.HCM đã có sự hồi phục sau mỗi đợt dịch và đạt các mức tăng trưởng cao (12%) trong năm 2020 so với năm 2019 và kể cả quý I năm nay so với cùng kỳ năm trước.

Các thương hiệu quốc tế hạng sang vẫn tìm kiếm các mặt bằng thương mại tại khu vực trung tâm cho kế hoạch mở rộng, thâm nhập thị trường Việt Nam bởi TP.HCM là trung tâm kinh tế, có mức độ đô thị hóa cao, tiêu thụ nội địa ngày càng tăng, cũng như những kết quả tích cực từ vắc-xin Covid-19.

Chuyên đề