Nhà liền thổ ở TP.HCM vẫn trụ vững giữa đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giá cả nhà liền thổ ở TP.HCM vẫn trụ vững giữa đại dịch Covid-19 dù tình hình giao dịch chững lại do giãn cách xã hội.
Giá nhà hiện không hề giảm, thậm chí tăng, chỉ có khách hàng nào “ngộp” mới chấp nhận giảm giá để bán nhanh. Ảnh: Ngô Bảo Tín
Giá nhà hiện không hề giảm, thậm chí tăng, chỉ có khách hàng nào “ngộp” mới chấp nhận giảm giá để bán nhanh. Ảnh: Ngô Bảo Tín

“Săn” nhà của khách hàng bị “ngộp”

“Ngộp” là một từ được các môi giới nhà đất dùng khá thường xuyên, khi nói đến những khách hàng đầu tư vì một khó khăn nào đó không đủ tiền đóng tiếp các sản phẩm đã mua trước đó, hoặc mất thanh khoản các khoản vay với ngân hàng cũng như bên ngoài, khiến phải “ra hàng” bằng mọi giá để trả nợ.

Trải qua 4 đợt bùng phát Covid-19, do không ít khách hàng mất công ăn việc làm, thu nhập đảo lộn, áp lực nợ nần gia tăng, tiền gốc và tiền lãi siết đều mỗi tháng, bị dịch bệnh đe dọa đến sức khỏe và cả sự an nguy của tính mạng nên không thể có lựa chọn nào khả dĩ hơn phải bán nhà.

Chị Trinh, một môi giới lâu năm ở Quận 9 (nay thuộc TP. Thủ Đức) cho biết, mới đây chị đã kết nối thành công một giao dịch online cho căn nhà phố ở phường Tăng Nhơn Phú B với giá gần 4 tỷ đồng, giảm so với lúc bình thường vài trăm triệu đồng do chủ nhà cần bán gấp, khách hàng đã chuyển cọc trước 400 triệu đồng.

“Dịch bệnh khiến việc đi lại bị hạn chế, nên phải gửi hình ảnh, giấy tờ và video quay về căn nhà qua Zalo cho khách xem. Nhờ khách mua và môi giới đã từng biết nhau nên có được sự tin tưởng. Sau khi hết dịch, hai bên sẽ ra công chứng, sang tên. Giá nhà hiện không hề giảm, thậm chí tăng, chỉ có khách hàng nào 'ngộp' mới chấp nhận giảm giá để bán nhanh”, chị Trinh nói.

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, tuy đợt dịch lần thứ 4 bùng phát trở lại gây ra nhiều hệ lụy, nhưng giá sản phẩm nhà phố trong các khu dân cư hỗn hợp chỉ đi ngang và tăng chứ không giảm. Riêng một số căn nhà mặt tiền trước đây mua để cho khách thuê kinh doanh, nay do bị trả lại mặt bằng, khiến nhiều chủ nhà vay tiền ngân hàng không trụ nổi nên đành bán với giá "mềm" hơn.

Ông Nhuận Ân, một “đại gia” sống ở phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức cho biết, qua các đợt dịch, những ai có thu nhập trung bình lại sử dụng đòn bẩy tài chính để mua nhà như rơi vào ngõ cụt. Trong khi các ngân hàng thương mại từ đầu năm đến giờ đều lãi lớn, nhưng động thái giãn nợ, hạ lãi suất cho vay đối với khách hàng, đặc biệt là khách hàng mua nhà vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Điều này cũng đồng nghĩa, nếu tình hình này kéo dài, thì một bộ phận không nhỏ khách hàng phải rời bỏ cuộc chơi về nhà đất, dù là đầu tư kinh doanh hay để an cư. Và, những người dồi dào về tài chính, có nhiều kinh nghiệm, đã và sẽ "canh me" thời điểm này để mua nhà giá hời. Thực tế cho thấy, một số người đã “hốt” được nhiều căn nhà như ý, tuy chỉ là số nhỏ.

Nhà trong dự án vẫn "ung dung tự tại"

Không như nhà phố hỗn hợp trong các khu dân cư, đối với sản phẩm nhà liền thổ trong các dự án được quy hoạch bài bản, vị trí đẹp, chủ đầu tư uy tín, tiến độ xây dựng đúng cam kết, thời gian qua giá cả vẫn tăng đều.

Cũng không khó hiểu bởi sản phẩm ở phân khúc này tại TP.HCM từ đầu năm đến nay tung ra thị trường không nhiều, trong khi khách hàng lại đông, xu hướng sống trong các dự án được đầu tư đồng bộ về hạ tầng ngày một thịnh thành.

Mặt bằng giá sơ cấp trong quý 2/2021 có sự điều chỉnh tăng nhẹ ở một số dự án, do nguồn cung tại thị trường TP.HCM hạn chế. Ảnh: Tâm Đức

Mặt bằng giá sơ cấp trong quý 2/2021 có sự điều chỉnh tăng nhẹ ở một số dự án, do nguồn cung tại thị trường TP.HCM hạn chế. Ảnh: Tâm Đức

Theo ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA Vietnam, mặt bằng giá sơ cấp trong quý II/2021 có sự điều chỉnh tăng nhẹ ở một số dự án, do nguồn cung tại thị trường TP.HCM hạn chế trong khi thị trường thứ cấp không có nhiều biến động.

Vì nguồn cung mới và lượng hàng tồn kho thấp nên lượng giao dịch từ đầu năm đến nay cũng thấp. Điểm sáng của thị trường TP.HCM trong thời gian qua là giá bán của nhà phố, biệt thự, đều có xu hướng tăng.

"Giá bán tại thị trường thứ cấp của phân khúc biệt thự, nhà phố có mức tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm trước. Người Việt Nam vẫn ưu tiên nhà ở liền thổ hơn, do đó những sản phẩm nhà phố, đặt biệt là các sản phẩm được phát triển trong các dự án rất được nhà đầu tư quan tâm”, Savills Việt Nam nhận xét.

Với nguồn cung dự báo ở mức tương đương giai đoạn 6 tháng đầu năm 2021, DKRA Vietnam cho rằng, sức cầu chung của phân khúc nhà phố, biệt thự ở TP.HCM sẽ có tín hiệu phục hồi tốt từ đây đến cuối năm. Tuy nhiên, thị trường thứ cấp có thể không có nhiều thay đổi.

Các giao dịch vẫn tập trung ở những dự án đã bàn giao, vị trí kết nối tốt, mức giá trên dưới 10 tỷ đồng/căn. Trong đó, nguồn cung vẫn tập trung chủ yếu tại khu Đông của TP.HCM, với ước tính khoảng 32% trên tổng số nguồn cung mới.

Việc các doanh nghiệp bất động sản đổ dồn về khu Đông là kết quả kế thừa của sự phát triển hạ tầng trong thời gian qua, cũng như đón đầu tốc độ đô thị hóa nhanh ở khu vực này trong thời gian tới.

Nhiều chuyên gia nhận định, với kỳ vọng sẽ kiểm soát được dịch bệnh trên cả nước trong quý III/2021, thị trường hứa hẹn sẽ có những dự án tiếp tục mở bán vào những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022. Mức độ có thể không sôi động như trước đây, mà sẽ khôi phục một cách bền vững hơn.

Chuyên đề