Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters. |
Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, khi mức tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ không đủ để bù lại sự đi xuống của nhóm cổ phiếu y tế. Xu thế giằng co của thị trường còn được cho là xuất phát từ những thông tin trái chiều về triển vọng đạt một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.
Chỉ số Nasdaq chốt phiên trong trạng thái tăng nhẹ, trong khi chỉ số Dow Jones giảm không đáng kể.
Theo hãng tin Reuters, trong suốt phiên giao dịch, các chỉ số không có một hướng đi rõ ràng nào. Thị trường thể hiện rõ tâm lý băn khoăn, hồi hộp về cuộc gặp sắp diễn ra giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Nhật Bản vào ngày thứ Bảy tuần này. Câu hỏi lớn đặt ra là liệu cuộc gặp có thể đi đến một giải pháp cho cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai nước hay không.
Đầu phiên, thị trường tăng điểm nhờ tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin rằng một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung "đã xong khoảng 90%". Nhưng sau đó, ông Mnuchin đính chính rằng ông dùng thì quá khứ, chứ không phải thì hiện tại, để miêu tả tiến trình đàm phán thương mại.
Tiếp đó, ông Trump phát biểu rằng "hoàn toàn có thể" tránh việc áp thêm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, nhưng ông cũng "rất vui với những gì chúng tôi đang làm hiện nay".
"Tuần trước, mọi chuyện rõ ràng hơn: thị trường hy vọng về một đợt hạ lãi suất vào tháng 7, và cuộc gặp giữa ông Trump với ông Tập tại thượng đỉnh G20 sẽ thảo luận việc nối lại đàm phán thương mại", chiến lược gia trưởng Robert Pavlik của SlateStone Wealth nhận xét. "Nhưng tuần này, Chính phủ Mỹ đã đưa ra những tín hiệu trái chiều, khiến thị trường cảm thấy khó hiểu".
Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 0,04%, còn 26.536,82 điểm. S&P 500 giảm 0,12%, còn 2.913,78 điểm. Nasdaq tăng 0,32%, đạt 7.909,97 điểm.
Giá dầu tăng kéo nhóm cổ phiếu năng lượng tăng mạnh. Nhờ đó, năng lượng và công nghệ là hai nhóm đạt mức tăng phần trăm mạnh nhất phiên này trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500. Các nhóm cổ phiếu phòng thủ gồm dịch vụ tiện ích, bất động sản và hàng tiêu dùng thiết yếu có mức giảm mạnh nhất.
Cổ phiếu con chip dẫn đầu sự đi lên của nhóm công nghệ. Chỉ số Philadelphia SE Semiconductor Index của cổ phiếu con chip tăng 3,2% sau khi hãng chip Micron công bố kết quả kinh doanh khả quan và cho biết đã nối lại một phần hoạt động cung cấp cho công ty Trung Quốc Huawei. Giá cổ phiếu Micron tăng 13,3%.
Cổ phiếu Apple tăng 2,2% sau khi nhà sản xuất điện thoại iPhone xác nhận đã mua công ty khởi nghiệp (startup) về xe không người lái Drive.ai.
Cổ phiếu giảm mạnh nhất trong S&P 500 phiên này là General Mills, với mức giảm 4,5% sau khi công ty thực phẩm đóng gói công bố doanh thu quý không đạt kỳ vọng.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 1,08 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, số mã giảm nhiều gấp 1,03 lần số mã tăng.
Có tổng cộng 6,69 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 6,99 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.