Dự án “treo” về tay chủ mới, đất nền Hà Đông rục rịch

Hàng trăm nhà đầu tư từng bị "mắc cạn" tại chính các dự án này do chủ đầu tư cũ thiếu năng lực về tài chính...
Dự án Phú Lương sau nhiều năm bất động đang được Hải Phát khẩn trương làm hạ tầng, cảnh quan.
Dự án Phú Lương sau nhiều năm bất động đang được Hải Phát khẩn trương làm hạ tầng, cảnh quan.

Phân khúc đất nền tại Hà Đông đang được giới đầu tư bất động sản Hà Nội để ý, sau khi một số dự án tên tuổi tại khu vực này về tay các ông chủ mới.

Trước đó, hàng trăm nhà đầu tư từng bị "mắc cạn" tại chính các dự án này do chủ đầu tư cũ thiếu năng lực về tài chính, khiến dự án lâm cảnh bỏ hoang gần chục năm nay.

Nhiều dự án “đổi phận”

Thông tin tập đoàn Mường Thanh mua lại dự án Thanh Hà của Cienco 5 mới đây đã trở thành một đề tài bàn thảo của giới đầu tư bất động sản Hà Nội. 

Bởi một lẽ, rất nhiều nhà đầu tư đã “ôm” một suất tại dự án Thanh Hà từ dăm ba năm trước, khi mà thương hiệu Cienco 5 vẫn đang là cái tên có thể mang lại cho ai đó cả một khoản lãi lớn.

Thế nhưng, cùng với vụ lừa đảo mang tên “Công ty 1/5”, và sau đó là sự yếu kém về năng lực tài chính của chủ đầu tư, khu đô thị rộng gần 400 ha với vị trí khá đắc địa tại quận Hà Đông đã dần trở thành nỗi ám ảnh của những ai đã trót xuống tiền.

Từ nhiều năm nay, thông tin cá nhân rao bán đất nền biệt thự tại dự án này với giá chỉ bằng 2/3, thậm chí một nửa giá gốc với mục đích cắt lỗ đầy rẫy trên mạng. 

Nhiều nhà đầu tư trước đó đã mua đất nền tại dự án này với giá 20 - 25 triệu đồng/m2, thì thời gian qua rao bán chỉ 16 - 18 triệu đồng/m2 nhưng tìm khách không dễ.

Sau khi có thông tin dự án Thanh Hà về tay Mường Thanh, giá rao bán đất nền tại đây đã được điều chỉnh lên từ 3 - 5 giá.

Một lãnh đạo Mường Thanh cho hay, trong mấy ngày qua, ban lãnh đạo tập đoàn đã nhận nhiều cuộc gọi hỏi về kế hoạch triển khai bán hàng tại dự án Thanh Hà.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, phía Mường Thanh khẳng định chưa thể đưa ra được kế hoạch nào cụ thể, vì việc chuyển nhượng mới chỉ ở giai đoạn hoàn tất hợp đồng. 

Trong tương lại, còn nhiều việc doanh nghiệp này phải làm, trong đó quan trọng là quy hoạch lại dự án này, xây dựng hạ tầng trước khi mở bán chính thức.

Một dự án khác có số phận tương tự Thanh Hà nằm trên địa bàn Hà Đông là dự án khu đô thị Phú Lương rộng hơn 34 ha do Công ty Xây dựng Trung Việt làm chủ đầu tư cũng từng là “nỗi sợ” của không ít nhà đầu tư.

Không chỉ bất động vì thiếu vốn, dự án này còn nằm trong danh sách nợ tiền sử dụng đất lên tới hàng trăm tỷ được Cục Thuế Hà Nội công bố hồi tháng 7/2015.

Trong khi đó, chủ đầu tư đã thu tiền của hàng trăm khách hàng dưới hình thức hợp đồng góp vốn, huy động vốn, còn tiến độ dự án vẫn chỉ dừng ở… mấy con đường trong khu đô thị.

Mới đây, công ty Hải Phát đã chi hơn 700 tỷ đồng, nhằm thay chủ đầu tư thanh toán tiền nợ thuế, và trở thành đồng chủ đầu tư khu đô thị Phú Lương.

Đại diện Hải Phát cho hay, sau khi xem xét và thấy được tiềm năng của dự án này, ban lãnh đạo đã quyết định sẽ chi khoảng 1.000 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư dự án này, tung ra thị trường khoảng 670 căn liền kề, gần 400 căn biệt thự và 3 toà nhà chung cư cao 25- 30 tầng.

Ngoài ra, doanh nghiệp này có thể sẽ làm những người mua nhà tại dự án Usilk City vui hơn, sau khi quyết định mua lại toà 102 từ Sông Đà Thăng Long.

“Khá nhiều người hỏi chúng tôi tại sao lại nhảy vào dự án đang nợ thuế. Câu trả lời đơn giản là vì chúng tôi nhìn thấy tính sinh lời của những dự án đó, trong khi dòng tiền chuẩn bị cho việc thâu tóm các dự án dở dang đã được phê duyệt”, một lãnh đạo Hải Phát nói.

Liệu có sốt ảo?

Nhiều khả năng, việc các dự án “treo” tại Hà Đông nói trên được về tay các ông chủ mới - được cho là có tiềm lực hơn về tài chính - sẽ khiến số phận của dự án rẽ sang một hướng khác.

Hiện số lượng đất nền tại các dự án này cũng không phải quá lớn, bởi theo quy hoạch đã được duyệt, đây đều là những khu đô thị sinh thái, do đó diện tích phần lớn phải ưu tiên dành cho cảnh quan, cây xanh, hồ nước. Số diện tích phục vụ xây dựng chỉ chiếm một phần nhỏ.

“Nếu cứ đổ xô vào săn lùng, mua đi bán lại theo dạng bán lúa non hoặc hỏi han rồi để đấy thì chắc chắn sẽ tạo ra hiện tượng sốt ảo tại khu vực Hà Đông trong thời gian tới”, một lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản nhìn nhận.

Đại diện Hải Phát cũng lưu ý, do tầm nhìn dài hạn về khả năng sinh lời của dự án nên công ty mới quyết định rót tiền vào dự án Phú Lương, chứ hoàn toàn không muốn các nhà đầu tư lướt sóng tham gia tạo sốt ảo tại dự án này.

“Mong muốn của Hải Phát là tiếp tục đầu tư khu đô thị này một cách bài bản, đầy đủ hạ tầng trước khi chào bán các sản phẩm hoàn chỉnh ra thị trường chứ không muốn khách hàng khi nhắc đến dự án này với một nghĩa tiêu cực, dù họ có thể kiếm lời được ít nhiều nhờ lướt sóng”, đại diện Hải Phát nói.

Đại diện Mường Thanh cũng phát biểu, không muốn dự án Thanh Hà mà doanh nghiệp này mua về lại trở thành tâm điểm của giới đầu cơ. 

Một khuyến cáo được lãnh đạo Mường Thanh đưa ra là những người có nhu cầu thực thì hẵng nghiên cứu, tìm hiểu về dự án, còn nếu chỉ để đầu cơ, hãy cẩn trọng vì hiện nay mọi việc chỉ mới ở trên giấy tờ. 

Chuyên đề