Cơ quan thi hành án đấu giá đất của dân quá rẻ?

(BĐT) - Do làm ăn thua lỗ, thửa đất có diện tích 3.083,7 m2 thuộc thửa 107, tờ bản đồ 20, tọa lạc tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM của ông Nguyễn Như Tuyển và bà Trần Thị Ngọc Xuyến bị Chi cục Thi hành án dân sự (CCTHADS) huyện Củ Chi thông báo đấu giá tài sản để trả nợ cho ngân hàng.
Lô đất diện tích 3.083,7 m2 dùng được dùng làm tài sản bảo đảm vay ngân hàng.
Lô đất diện tích 3.083,7 m2 dùng được dùng làm tài sản bảo đảm vay ngân hàng.

Tuy nhiên, việc đấu giá tài sản bị vợ chồng ông Tuyển và bà Xuyến tố cáo là có nhiều khuất tất, không minh bạch, giá chênh lệch so với giá trị thực tới hơn 8 tỷ đồng!

Dân kêu sai

Trong Đơn tố cáo khẩn gửi Báo Đấu thầu, vợ chồng ông Nguyễn Như Tuyển cho biết, theo quyết định của Bản án số 733/2012/KDTM-ST ngày 30/5/2012 của Tòa án nhân dân TP.HCM và Quyết định thi hành án số 193/QĐ-CCTHA ngày 8/1/2014 của CCTHADS huyện Củ Chi, vợ chồng ông Tuyển phải trả nợ thay số tiền hơn 428 triệu đồng của Công ty Hân Vi vay Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Theo Quyết định thi hành án số 04/QĐ-CCTHA ngày 2/10/2014 của CCTHADS huyện Củ Chi, phía Eximbank đã chuyển toàn bộ giấy tờ thế chấp lô đất 3.083,7 m2 cho chi cục này quản lý.

Ngày 15/1/2016, ông Nguyễn Hữu Phước, chấp hành viên của CCTHADS huyện Củ Chi lập biên bản giải quyết thi hành án, trong đó nêu rõ: Sẽ phát mãi quyền sử dụng lô đất 3.083,7 m2 nói trên để thu hồi nợ nếu Công ty Hân Vi không hoàn thành nghĩa vụ. Cùng ngày, ông Phước có Công văn số 956/CCTHA gửi Eximbank chi nhánh Hòa Bình đề nghị Eximbank cho nhận lại tài sản và được ngân hàng này đồng ý. “Ngày 22/1/2016, chúng tôi đã được ông Phước chỉ đạo đem tiền trả tại CCTHADS huyện Củ Chi, không nên trả ở Eximbank. Đúng 9 giờ sáng hôm đó, tôi đem tiền lên CCTHADS huyện Củ Chi nộp, ông Phước chỉ đạo ông Đông, chấp hành viên, dẫn qua Kho bạc Nhà nước huyện Củ Chi, tôi đã nộp đủ 314.000.000 đồng đúng theo cam kết với bên ngân hàng. Ông Phước nói đang họp dưới Thành phố, thứ hai lên làm thủ tục giải tỏa để lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ)”, ông Tuyển kể.

Đúng hẹn, 10 giờ ngày 26/1/2016 ông Tuyển lên lấy lại GCNQSDĐ thì mới biết lô đất này bị đem đi đấu giá tài sản. Tại lần gặp này, ông Phước nói với ông Tuyển là không thể trả lại “sổ đỏ” được do còn thiếu nợ của nhiều người khác. Ngày 29/1/2016, bà Xuyến đến nộp hồ sơ xin định giá lại thửa đất trên thì được ông Đông đưa cho văn bản ký ngày 28/1/2016, trong đó nêu rõ đã có người tham gia đấu giá. Bà Xuyến ấm ức: “Khi tôi thắc mắc tại sao tôi đã trả tiền cho Eximbank rồi mà vẫn đem đấu giá tài sản, dù tôi chỉ bảo đảm duy nhất cho khoản vay của Eximbank, còn các bản án khác không liên quan, thì không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Tiếp đó, tôi yêu cầu chuyển GCNQSDĐ của lô đất nói trên qua Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Củ Chi để chuyển thổ cư và tách sổ, theo Văn bản số 7021/UBND TNMT ngày 18/9/2015 của UBND huyện Củ Chi để tôi bán nhằm trả nợ các khoản nợ khác thì CCTHADS huyện Củ Chi không đồng ý”.

Ông Tuyển cho biết thêm, sự việc oái ăm hơn bởi trước đó, vào lúc 16 giờ 22 phút ngày 27/1/2016, ông Phước đã nhắn tin vào máy điện thoại của Tuyển, rằng: “Tôi đã làm thủ tục chuyển tiền cho ngân hàng xong”. Nhưng trên thực tế, đến tận ngày 29/1/2016, ông Phước mới cho kế toán chuyển tiền. Cũng trong ngày 29/1/2016, ông Phước phát hành Văn bản 262 tạm giữ tài sản nói trên. “Ông Phước lấy lý do chúng tôi còn thiếu nợ những nơi khác nên giữ lại GCNQSDĐ, lén lút bán đấu giá với giá 1,7 tỷ đồng, trong khi giá thị trường là hơn 10 tỷ đồng, không thực hiện đúng trình tự quy trình pháp luật về thi hành án và bán đấu giá tài sản. Trong khi chúng tôi còn nhiều tài sản khác, còn tài sản này chúng tôi không bảo lãnh các bản án khác” -đơn tố cáo khẩn của ông Tuyển và bà Xuyến viết.

Thi hành án bảo đúng

Ông Tuyển đã gửi đơn khiếu nại và tố cáo vụ việc này lên nhiều cơ quan chức năng, trong đó có Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM. Tuy nhiên, ông Nghĩa khẳng định, tới đây, khoảng tháng 5 hoặc tháng 6/2016, sẽ tiến hành cưỡng chế tài sản lô đất nói trên để giao cho người trúng đấu giá trong đợt vừa rồi, ngoại trừ trường hợp người có thẩm quyền hoặc cơ quan có thẩm quyền yêu cầu tạm dừng để xem xét lại bản án!
Ngày 26/4/2016, phóng viên Báo Đấu thầu đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chi cục trưởng CCTHADS huyện Củ Chi và ông Nguyễn Hữu Phước, chấp hành viên. Tại đây, ông Nghĩa và ông Phước cho rằng, trong vụ việc này CCTHADS huyện Củ Chi đã làm đúng quy trình và thủ tục.

Trả lời thắc mắc, tại sao ông Tuyển và bà Xuyến đã nộp đủ số tiền nợ còn lại là 314 triệu đồng cho Eximbank rồi, nhưng CCTHADS huyện Củ Chi vẫn không trả lại GCNQSDĐ cho vợ chồng ông Tuyển, ông Nghĩa cho rằng, trong trường hợp này, dù tài sản nói trên chỉ bảo đảm cho khoản vay của Eximbank, nhưng cùng lúc vợ chồng ông Tuyển đang còn thiếu nợ của nhiều người khác nên căn cứ theo Điều 90 của Luật Thi hành án dân sự, CCTHADS huyện Củ Chi phải giữ lại tài sản này để bán đấu giá nhằm buộc ông Tuyển và bà Xuyến phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho những người liên quan khác?!

Riêng việc lô đất trên được định giá chỉ hơn 1,7 tỷ đồng theo đơn giá đất nông nghiệp có quá thấp so với giá trị thực hay không, bởi trước đó lô đất này đã UBND TP.HCM và UBND huyện Củ Chi cho phép chuyển thổ cư và tách sổ, nếu mọi thủ tục chuyển đổi hoàn thành sẽ có giá hơn 10 tỷ đồng? Ông Nghĩa cho biết, khi tiến hành bán đấu giá, CCTHADS huyện Củ Chi căn cứ theo thẩm định giá của Eximbank. “Thực tế, qua lần đăng báo thứ nhất về việc bán đấu giá, do không có người đăng ký mua với giá 1.797.000.000 đồng, chúng tôi đã giảm 3% trên giá trị thẩm định. Lần thứ 2 chúng tôi tiếp tục giảm giá 3% và đã có 2 người đăng ký tham gia đấu giá. Kết quả, đã có 1 người trúng lô đất trên với giá 1.697.973.000 đồng” - ông Nghĩa giải thích.

Đối với những tin nhắn giữa ông Phước nhắn cho ông Tuyển, trong đó cho thấy có sự bất nhất, mà ông Tuyển cho rằng là nhằm mục đích gài bẫy vợ chồng ông Tuyển để qua mặt trong việc đấu giá lô đất trên, ông Nghĩa không có bình luận gì, bởi theo ông là chưa đọc trực tiếp nội dung tin nhắn. Song với ông Phước, ông thừa nhận là có nhắn cho ông Tuyển và xin rút kinh nghiệm sâu sắc về việc làm này, bởi thời điểm đó ông Tuyển gọi điện cho ông liên tục nên ông phải trả lời bằng tin nhắn.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, ông Tuyển đã gửi đơn khiếu nại và tố cáo vụ việc này lên nhiều cơ quan chức năng, trong đó có Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM. Tuy nhiên, ông Nghĩa khẳng định, tới đây, khoảng tháng 5 hoặc tháng 6/2016, sẽ tiến hành cưỡng chế tài sản lô đất nói trên để giao cho người trúng đấu giá trong đợt vừa rồi, ngoại trừ trường hợp người có thẩm quyền hoặc cơ quan có thẩm quyền yêu cầu tạm dừng để xem xét lại bản án!

Dư luận cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cần sớm vào cuộc để minh định đúng, sai nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho các bên liên quan.

Chuyên đề