Ông Cao Văn Đức |
Trong quán cà phê vào một chiều cuối năm ấm áp, không còn bị cắt ngang liên tục bởi những cuộc điện thoại chỉ đạo công việc như thời tham gia điều hành ngân hàng, anh say sưa kể về niềm đam mê mới, làm nông nghiệp sạch.
1. Hỏi anh cơn cớ nào đưa anh đến với lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp, Cao Văn Đức, Thành viên HĐQT, nguyên Tổng giám đốc VietBank chia sẻ, Việt Nam dù là nước nông nghiệp, với trên 70% dân số thuộc khu vực nông nghiệp - nông thôn, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn chưa đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế của đất nước. Dù đứng đầu thế giới về một số mặt hàng nông sản, nhưng đó mới chỉ là sự đứng đầu về sản lượng, còn chất lượng sản phẩm thực sự là một vấn đề lớn của chúng ta, cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Chưa bao giờ câu chuyện về mất an toàn vệ sinh thực phẩm lại “nóng” như bây giờ, nóng ở nghị trường, trên các phương tiện truyền thông và trong câu chuyện của mỗi người, mỗi nhà. Đó cũng là nỗi lo lắng, trăn trở thường trực của anh về chất lượng của mâm cơm gia đình, người thân, bạn bè và rộng ra là người Việt hôm nay. Vì vậy, anh luôn đau đáu với việc đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, dù xác định đây không phải là lĩnh vực có khả năng sinh lời cao.
“Đất nước ta đang mở cửa rộng hơn, hội nhập sâu hơn với thế giới, đưa đến những thách thức không nhỏ nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội to lớn cho nền nông nghiệp Việt Nam. Khi những rào cản thuế quan với hàng hóa dần bị xóa nhòa, chúng ta đang chứng kiến sự nhập cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp vào lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp sạch. Đây thực sự đang là “cuộc chơi” lớn của các đại gia, lớn từ quy mô vùng nguyên liệu, quy mô sản xuất, công nghệ, nguồn vốn đầu tư cho đến tham vọng về thị trường tiêu thụ”, anh Đức nói và nhận xét thêm, Tập đoàn Vingroup đang nổi lên như một điển hình của làn sóng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch, với thương hiệu VinEco.
Vingroup đang cho thấy sự khác biệt trong cách thức phát triển kinh doanh nông nghiệp, với quy mô sản xuất lớn, cách thức triển khai bài bản. Bên cạnh việc áp dụng công nghệ tiên tiến thì việc xây dựng chuỗi hệ thống tiêu thụ cũng nhanh chóng được tập đoàn này phát triển.
Để làm được điều đó đòi hỏi đầu tư lớn, doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính mạnh và với doanh nghiệp lớn, việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cũng thuận lợi hơn. Vậy doanh nghiệp nhỏ và vừa liệu có cơ hội trong “sân chơi” nông nghiệp sạch? Anh Đức mỉm cười, mô hình “từ trang trại đến bàn ăn” đang được các doanh nghiệp nhỏ và vừa triệt để phát huy nhằm tiến vào các thị trường ngách kết hợp với dịch vụ du lịch, nhằm mang lại giá trị gia tăng cho hoạt động kinh doanh của mình.
Vùng ven là địa điểm lý tưởng cho loại hình này, khi mà nhu cầu hòa mình với thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống của người nông dân và sử dụng thực phẩm sạch của cư dân thành phố ngày càng gia tăng. Hướng đi này giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tránh được sức ép cạnh tranh từ các “ông lớn”.
Tất nhiên, vẫn còn sớm để đánh giá, nhận định về hướng phát triển này nhưng đây vẫn là hướng phát triển tích cực cần khuyến khích trong giai đoạn hiện nay.
2. Theo đuổi đam mê với lĩnh vực kinh doanh mới, nông nghiệp sạch, Đức hào hứng kể, anh đã dành cả năm qua để đi khảo sát các mô hình sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi trên thế giới. Anh cho biết, chuyến thăm một trang trại cà phê sạch ở Đài Loan, nằm cách thành phố Đài Bắc khoảng 1 giờ đồng hồ xe chạy đã để lại cho anh ấn tượng rất mạnh.
Dù Đài Loan không phải là miền đất nổi danh trên bản đồ cà phê thế giới, với diện tích trồng cà phê không lớn, nhưng người chủ trang trại vẫn tạo dựng cho mình một sự nghiệp kinh doanh thành công, với việc lựa chọn và kiên định đi theo con đường làm cà phê sạch: sử dụng phân hữu cơ nano sạch - tạo ra sản phẩm cà phê sạch - xây dựng thương hiệu cà phê - kết hợp du lịch.
“Ông chủ trang trại nhiệt tình mời khách ly cà phê và lặng lẽ để khách tự đánh giá sự khác biệt giữa cà phê Việt Nam - vốn được xem là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và cà phê sạch của Đài Loan. Nếu bạn có dịp hãy đến đó, hãy thưởng thức ly cà phê… để thấy sự khác biệt”, anh Đức tâm sự.
Anh trăn trở, sản xuất nông nghiệp của nước ta vẫn trong tình trạng manh mún do đất đai phân tán, công nghệ canh tác lạc hậu nên năng suất thấp, chất lượng kém. Người nông dân vẫn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn: phân, giống, thị trường, điệp khúc “được mùa rớt giá” diễn ra, mang lại hệ lụy không nhỏ cho cả quốc gia. Sản xuất manh mún nên họ khó khăn hơn trong việc tạo ra giá trị gia tăng từ các hoạt động như du lịch mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang làm.
“Có một câu hỏi mà nhiều năm nay tôi luôn trăn trở suy nghĩ, đó là: Mô hình nào phù hợp cho đối tượng này? Phải xây dựng được một vùng rộng lớn đủ để làm nền tảng cho phát triển nông nghiệp sạch bền vững. Dù người nông dân nhận biết được cơ hội, nhưng họ cần nhiều sự hỗ trợ để có thể làm nông nghiệp sạch, từ quy trình sản xuất đến đầu ra ổn định và tất nhiên là cả nguồn vốn. Lượng vốn này không lớn, nhưng hiện nay, thủ tục vay ngân hàng đang làm nản lòng hầu hết những người nông dân”, nguyên CEO VietBank thừa nhận.
Rồi anh say sưa kể về những cuộc gặp gỡ với các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như không biết bao lần ăn ở tại nhà người nông dân để tìm hiểu gốc rễ vấn đề. Sống cùng họ, quan sát cách thức sản xuất của người nông dân, anh Đức đúc rút: Nguyên nhân dẫn đến nhiều khó khăn hiện nay của người nông dân Việt chính là thói quen sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng một cách tràn lan. Sản phẩm đầu ra vì vậy bị nhiều nhà nhập khẩu từ các quốc gia tiên tiến lắc đầu từ chối vì không đáp ứng được các quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm hết sức ngặt nghèo.
Với tư duy của người lãnh đạo doanh nghiệp, thấy rõ nguyên nhân là phải tìm ra phương án khắc phục, anh Đức cho rằng, để phát triển nông nghiệp bền vững, đòi hỏi phải có những cơ chế, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước và cần… cả thời gian.
Theo anh Đức, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích sản xuất, sử dụng phân hữu cơ sạch, công nghệ cao, để từng bước cải tạo nguồn đất làm nền tảng cho phát triển nông nghiệp sạch. Sự kết hợp cả ba hướng phát triển nông nghiệp gồm doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa và liên kết nông dân sẽ là cơ sở để phát triển bền vững, khai thác được tiềm năng của các thành phần và khai thác được cả thị trường xuất khẩu lẫn nội địa.
“Cần lắm sự quan tâm hỗ trợ mang tính vĩ mô của Nhà nước bằng một quy hoạch phát triển nông nghiệp Việt Nam, với tầm nhìn dài hạn cũng như cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp. Sẽ đến một ngày, câu chuyện về thực phẩm sạch là những câu chuyện vui, nông nghiệp và những người nông dân sẽ là mảng sắc màu tươi sáng, đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước Việt Nam. Hy vọng, ngày đó sẽ không còn xa”, anh Đức kỳ vọng.
Về tiến độ dự án kinh doanh riêng của mình, Đức tiết lộ, anh đã gặp được những người cùng chí hướng, thu xếp được vốn và tìm được đất tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ra Giêng, anh sẽ bắt tay vào triển khai dự án. Nhóm nhà đầu tư sẽ tham gia trực tiếp vào từng khâu, từ cung ứng phân bón sạch, trồng cây với công nghệ cao và lo đầu ra cho sản phẩm.
“Chỉ một thời gian nữa, anh sẽ tặng em những sản phẩm nông nghiệp sạch 100% do anh sản xuất”, nguyên CEO VietBank tiễn tôi bằng lời hứa.