Nguồn lực nào hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang thu hút sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính luôn là bài toán khó đối với mọi quy hoạch. Để có nguồn lực hiện thực hóa quy hoạch này, nhiều chuyên gia đã đưa ra các ý tưởng xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, đấu giá quỹ đất...
Khu vực 2 bên bờ sông Hồng có thể khai thác được rất nhiều giá trị văn hóa, môi trường và cả kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Khu vực 2 bên bờ sông Hồng có thể khai thác được rất nhiều giá trị văn hóa, môi trường và cả kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa thống nhất trình các bộ, ngành liên quan Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000. Theo Tờ trình, quy hoạch nằm trên địa giới hành chính 55 phường, xã và 13 quận, huyện của Hà Nội. Phạm vi quy hoạch phía Bắc đến đê tả ngạn và phía Nam đến đê hữu ngạn sông Hồng, chiều dài khoảng 40 km.

Trong tổng diện tích nghiên cứu khoảng 11.000 ha, sông Hồng chiếm 3.600 ha (33%), đất bãi sông trên 5.400 ha (50%), phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang được Hà Nội quy hoạch với định hướng phát triển các công trình công cộng, công viên cây xanh, công trình văn hóa, dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô để phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch. Cùng với đó, Thành phố sẽ cải tạo, chỉnh trang và tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu trong vùng quy hoạch; bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử; đồng thời, khai thác quỹ đất phát triển mới để tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng.

Đây là lần thứ 3 quy hoạch đô thị sông Hồng được đề xuất nghiên cứu. Việc nghiên cứu quy hoạch các lần trước đó đều không đi đến đích mà nguyên nhân chính là thiếu nguồn lực triển khai. Để giải bài toán nguồn lực tài chính thực hiện quy hoạch, nhiều chuyên gia đã đưa ra gợi ý.

Theo TS. Lê Viết Sơn, chuyên gia thuộc Viện Quy hoạch thủy lợi, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ là một phần nhỏ, còn phần lớn có thể từ nguồn lực xã hội hóa. Khu vực 2 bên bờ sông Hồng có thể khai thác được rất nhiều giá trị văn hóa, môi trường và cả kinh tế. Khi xây dựng các công trình vui chơi, giải trí, đô thị xanh cần kết nối từ các khu dân cư tới bến bãi, mặt nước một cách hài hòa để tạo sự gần gũi, hòa hợp với thiên nhiên.

Đơn cử, việc tạo mặt nước đẹp để có hoạt động vui chơi, giải trí, du thuyền trên sông sẽ mang lại giá trị về mặt xã hội cũng như giá trị kinh tế không nhỏ, nhưng vẫn bảo đảm không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên. Theo TS. Lê Viết Sơn, các nhà đầu tư nhận thấy các giá trị tiềm năng này sẽ sẵn sàng tham gia. Tuy nhiên, Nhà nước cần phải định hình không gian quy hoạch, khi thu hút đầu tư hoặc xây dựng các hạng mục, công trình phải tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch này.

GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, khi đặt vấn đề phát triển đô thị phải nghĩ tới ngay kinh phí thực hiện, bởi dự án dù có khả thi nhưng chỉ thành công khi có đủ nguồn lực thực hiện. Theo ông Võ, việc quy hoạch đô thị sông Hồng về cơ bản là phát triển đô thị kết hợp với môi trường, không gian xanh; khi phát triển đô thị sẽ tác động khiến giá đất của khu vực đó tăng lên, và đây chính là nguồn lực cho phát triển.

Khởi đầu, có thể dựa vào nguồn lực nhà nước để đầu tư hạ tầng ở một mức độ nhất định. Sự đầu tư này theo quy luật sẽ làm tăng giá đất ở các khu vực lân cận. Hãy lấy chính quỹ đất đó để bán đấu giá, mang lại nguồn thu cho ngân sách để tiếp tục thực hiện quy hoạch. Lấy ngay giá trị đất đai tăng thêm trên khu vực sông Hồng để có nguồn lực cho phát triển là cách mà theo GS.TS Đặng Hùng Võ có tính khả thi cao.

Theo một chuyên gia khác, TP. Hà Nội có thể kêu gọi nhà đầu tư chỉnh trang lại hệ thống đê điều, xây dựng khu công viên, khu thể thao, khu nghỉ dưỡng, khu văn hóa lịch sử. Các khu vực cần được phân định rõ ràng. Nếu các dự án này được đầu tư xây dựng thành công, thì trục sông Hồng sẽ là nơi thu hút nhiều khách du lịch trong nước, quốc tế và cả người dân. Qua đó, Thành phố có nguồn lực để tái đầu tư.

Chuyên đề