Nguồn động lực mới cho đổi mới, sáng tạo

(BĐT) - Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hôm nay được đưa ra thảo luận tại Hội trường Quốc hội và dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp này. 
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hướng đến mục tiêu khơi dậy nguồn lực đầu tư tư nhân, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển có chiều sâu. Ảnh: Ngọc Kỳ
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hướng đến mục tiêu khơi dậy nguồn lực đầu tư tư nhân, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển có chiều sâu. Ảnh: Ngọc Kỳ

Luật Hỗ trợ DNNVV được ban hành sẽ là một bước để hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Đây cũng là kỳ vọng, trông đợi của cộng đồng DNNVV, đặc biệt là DN khởi nghiệp sáng tạo.

Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm

Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam, việc Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV trong kỳ họp này sẽ là một bước cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Dự Luật này đưa ra những quy định, nội dung cụ thể để góp phần tạo ra sự phát triển bình đẳng cho DNNVV.

DNNVV chiếm hơn 97% số DN Việt Nam, tuy số lượng lớn nhưng chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng, năng lực cạnh tranh còn yếu. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV hướng đến việc hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, khơi dậy nguồn lực đầu tư tư nhân, thúc đẩy DN phát triển có chiều sâu. Dự thảo Luật chọn 3 nhóm DN và các DN tiềm năng để hỗ trợ một cách trọng tâm, trọng điểm, gồm hộ kinh doanh đi lên DN, DN khởi nghiệp sáng tạo và DN có khả năng tạo thành chuỗi liên ngành, chuỗi giá trị. Tinh thần của Dự thảo Luật là chỉ hỗ trợ DN đáp ứng đủ tiêu chí. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông khẳng định, thiết kế của Dự Luật không hướng đến bao cấp, không đưa tiền cho DN, làm cho DN ỷ lại, không chịu lớn. Gọi là hỗ trợ nhưng thực chất là Nhà nước đang đầu tư cho DNNVV và đây là những khoản đầu tư rất hiệu quả, giúp nuôi dưỡng nguồn thu. Điều này thể hiện rõ vai trò Chính phủ kiến tạo, phục vụ DN, người dân, tạo dựng môi trường chính sách thuận lợi cho DN phát triển. 

Mong muốn bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực

Nói về những kỳ vọng từ cộng đồng DN, ông Tô Hoài Nam cho biết, DNNVV mong muốn đầu tiên là có sự bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực. “Thực lòng mà nói, khu vực tư nhân chưa được tiếp xúc bình đẳng, trừ một số đại gia đếm trên đầu ngón tay, còn phần lớn đều khó khăn hơn khu vực DN nhà nước, DN FDI. Chính sách để cho khu vực DNNVV được tiếp cận các nguồn lực đất đai, tín dụng,… phải hết sức cụ thể, hướng đến DN nhỏ, siêu nhỏ, DN vừa”, ông Tô Hoài Nam chia sẻ.

Thứ hai, theo ông Tô Hoài Nam, muốn kinh tế tư nhân làm động lực, phải bảo vệ được quyền sở hữu để DN cảm thấy an toàn, mới dám đầu tư. Nhiều quyền hiện nay đối với thế giới là quyền sở hữu nhưng trong hệ thống pháp luật Việt Nam chưa chắc là quyền sở hữu, người chủ tài sản rất khó chuyển nhượng tài sản. Trong điều kiện luật pháp nước ta, phải cải thiện thủ tục hành chính nhanh nhất, gọn nhất, bớt chi phí để DN xác lập quyền sở hữu một cách nhanh chóng.

Điều quan trọng nữa, phải không được cản trở sự sáng tạo của DN nhỏ, khích lệ DN đổi mới, sáng tạo, phát minh, sáng chế. Đồng thời, phải tránh chi phí không chính thức. “Chi phí ngầm hình thái rất mờ ảo, muôn hình vạn trạng, làm cho DN rất mệt mỏi, không biết đường nào để đi, đường nào để thoát ra, làm cho DN nản chí kinh doanh, không còn năng lượng, hứng khởi tập trung kinh doanh”, ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh.

Đại diện Hiệp hội DNNVV cũng cho rằng, Nhà nước, Chính phủ phải biết trân trọng những người đóng thuế nho nhỏ, thể hiện ở việc sử dụng tiền thuế một cách hợp lý, hạn chế thất thoát, lãng phí, không làm cho DN nản chí, không muốn đóng thuế. DNNVV cũng hy vọng được tôn vinh khi có đóng góp, để họ thấy có sự động viên, khích lệ.

Chuyên đề