Một khách hàng đọc thông báo dán bên ngoài cửa hàng của Kate Spade & Co đã đóng. Ảnh:WSJ |
Quốc hội Mỹ cuối tuần trước thông qua gói giải cứu kỷ lục 2.200 tỷ USD. Nhưng trước khi số tiền đó được giải ngân, các công ty và người dân Mỹ sẽ phải ra quyết định khó khăn cho số hóa đơn tháng 4 sắp đến hạn: Cái nào nên trả trước, cái nào nên xin hoãn? Số tiền còn lại đủ trả lương cho bao nhiêu nhân viên? hay Tiền thuê có được hoãn hay không?
Sự lựa chọn tuần này của họ sẽ quyết định mức độ ảnh hưởng của đại dịch lên kinh tế Mỹ. "Tiền thuê nhà đến hạn trả rồi. Điện nước gas cũng vậy. Nợ thẻ tín dụng cũng phải trả ngày 1/4", Hadley Douglas - chủ hãng rượu The Urban Grape cho biết trên WSJ. Bà gần đây đã phải cho hai nhân viên nghỉ việc. Chủ nhà không đồng ý cho Douglas trả trước nửa tháng tiền thuê.
Hàng triệu người Mỹ đã đột ngột mất việc. Rất nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa theo lệnh của giới chức bang và liên bang Mỹ để ngăn dịch bệnh lây lan. Tuần trước nữa, 3,28 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.
Riêng ngành nhà hàng Mỹ đã thiệt hại 25 tỷ USD doanh thu kể từ ngày 1/3, theo một khảo sát của Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia Mỹ. Gần 50.000 cửa hàng của các chuỗi bán lẻ lớn đã phải ngừng hoạt động.
Nike đang đề nghị chỉ trả nửa tiền thuê mặt bằng. TJ Maxx hoãn thanh toán cho các nhà cung cấp. Victoria’s Secret và Men’s Wearhouse cho hàng nghìn nhân viên tạm nghỉ việc. Cheesecake Factory đóng cửa 27 cơ sở và cho tạm nghỉ việc 41.000 nhân viên làm theo giờ - chiếm gần 90% tổng nhân lực.
Tyson Evans (23 tuổi) làm việc cho Cheesecake Factory ở Indiana. Anh đang chuẩn bị nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Evans hiện sống với cha mẹ và rất lo lắng về các hóa đơn điện thoại, thực phẩm, chăm sóc y tế. Anh đã lập ra một trang lấy chữ ký online để kêu gọi chuỗi cửa hàng này trả tiền cho nhân viên phải nghỉ ở nhà.
Denise Burger (64 tuổi) cũng trông chờ vào công việc tại Cheesecake Factory để nuôi sống bản thân. Bà cho biết đã phải liên lạc với công ty cho vay thế chấp và hãng thẻ tín dụng để xin hoãn thanh toán. "Đại dịch này khiến tôi gặp quá nhiều áp lực", bà nói.
Cheesecake Factory cho biết sẽ tiếp tục đóng bảo hiểm y tế cho nhân viên đến ngày 1/6 và cung cấp bữa ăn cho họ từ các nhà hàng vẫn mở cửa cho dịch vụ giao đồ ăn. Dù vậy, họ cũng đã phải báo các chủ nhà rằng sẽ không trả tiền thuê mặt bằng tháng 4.
Các chủ mặt bằng, như Ami Ziff, thì ngập trong đề nghị xin hoãn nộp tiền thuê. Anh hiện là giám đốc Time Equities – công ty sở hữu 122 trung tâm bán lẻ tại 25 bang của Mỹ.
Hãng tư vấn Marcus & Millichap cho biết tuần này, khoảng 20 tỷ USD khoản vay liên quan đến bất động sản bán lẻ sẽ đáo hạn. Khi rất nhiều hãng bán lẻ và nhà hàng cho biết không thể trả tiền thuê nhà tháng 4, thị trường cho vay thế chấp bất động sản thương mại quy mô 3.000 tỷ USD tại Mỹ sẽ bị đe dọa.
Những công ty cho vay thế chấp đang chuẩn bị cho làn sóng chậm thanh toán bắt đầu từ tháng 4, khi người vay mất việc. Fannie Mae và Freddie Mac cho biết sẽ hoãn thanh toán và tịch biên tài sản. Các đại lý xe cũng nói rằng rất nhiều người tiêu dùng gọi điện đến để xin hoãn tiền thuê và tiền trả góp tháng 4.
Guy Hillel (47 tuổi) mới mất công việc quản lý tại một khách sạn ở Quảng trường Thời đại tháng này. Ông được trợ cấp thất nghiệp 504 USD một tuần, nhưng con số này chỉ bằng một phần nhỏ thu nhập trước kia và không đủ chi trả cho cả gia đình. Ông đã gọi đến hãng thẻ tín dụng để đàm phán gia hạn thanh toán, và cũng xin hoãn nộp tiền trả góp mua xe tháng này.
"Stress quá. Còn mệt mỏi hơn khi tôi đi làm nữa", Hillel nói. Ông đang trông chờ vào tiền hỗ trợ chính phủ Mỹ sẽ cung cấp cho các hộ gia đình trong gói kích thích 2.200 tỷ USD.
Rất nhiều chủ doanh nghiệp và cá nhân cho biết họ còn rất ít tiền mặt dự trữ và tiền tiết kiệm để trả các hóa đơn trong vài ngày tới. Một số thì băn khoăn liệu gói trợ cấp có đủ cho họ hay không.
Tom Bemiller – CEO The Aureus Group vẫn giữ ba cửa hàng sửa xe hoạt động tại Philadelphia. Tuy nhiên, doanh thu tháng này đã giảm 35%. "Khách hàng nói với tôi rằng họ sẽ không sửa xe cho đến khi đại dịch qua đi", anh nói.
Bemiller cho biết ưu tiên của anh hiện tại là trả lương cho 25 nhân viên và nhà cung cấp. Ngân hàng của anh đang đánh giá có thể thay đổi các điều khoản lãi suất trong gói vay hay không. Họ cũng mới nâng hạn mức cho vay với Bemiller thêm 50.000 USD, đủ để trả lương nhân viên trong 2 tuần. Chính quyền bang đã đồng ý cho anh hoãn vài loại thuế. Còn American Express cũng miễn phí và lãi nếu anh hoãn nộp tiền nợ thẻ tín dụng thêm một tháng.
"Mọi thứ đều đang được cân nhắc. Vì chúng tôi đang trong chế độ sinh tồn", Bemiller nói, "Chúng tôi đã liên lạc với tất cả chủ nợ, nhà cung cấp và đề nghị họ giúp đỡ, hoãn thanh toán nhiều nhất có thể".
Douglas thì còn có một lo lắng khác, ngoài dòng tiền và chi phí. Đó là cô, chồng cô hoặc một trong các nhân viên có thể bị ốm. Việc này có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng, hoặc khiến chính quyền bang ra lệnh đóng cửa hàng rượu của họ.
"Mỗi lần đặt thêm hàng, chúng tôi đều lo lắng sẽ mắc kẹt với đống hàng không thể bán được", bà nói, "Hôm nay chúng tôi mở cửa, nhưng nó không có nghĩa tuần tới vẫn sẽ hoạt động".