Bình Dương là một trong những địa phương triển khai tốt các dự án nhà ở xã hội. |
Giấc mơ nhà ở
Chị Trần Thị Phượng (Thanh Hóa) làm việc tại Khu công nghiệp Sam Sung (Thái Nguyên) cho biết, chị đã làm ở Sam Sung từ những ngày đầu khu công nghiệp này đi vào hoạt động, hiện đã lấy chồng, có con nhưng phần vì thu nhập cũng chẳng là bao nên gia đình vẫn phải đi thuê nhà trọ, con cái phải gửi về quê nhờ ông bà trông hộ.
“Không chỉ vợ chồng tôi, nhiều gia đình ở đây cũng trong hoàn cảnh như vậy, cánh công nhân chúng tôi cũng chỉ biết làm tối ngày đầy công thôi. Nhu cầu thì nhiều, nhưng nhà ở vẫn là mong muốn lớn nhất, rồi con cái học hành nữa”, chị Phượng tâm sự.
Cùng nỗi lòng này, anh Lê Quang Dương (Thanh Hóa) cho hay: “Trong khu ký túc xá của Công ty cũng đảm bảo phần lớn nhu cầu vui chơi, giải trí nhưng chỉ cho công nhân. Và công nhân nam chỉ được hỗ trợ ở một năm, công nhân nữ hai năm.
Hơn nữa họ quản lý theo giờ giấc, nên có muốn đi chơi đâu đó cũng bất tiện. Không có trẻ em, không có phòng cho hộ gia đình. Những người làm lâu năm như chúng tôi, buộc phải chọn phương án đi thuê trọ ngoài, trong nhà dân hoặc khu nào đó của các công ty cho thuê bất động sản”.
“Nhu cầu về nhà ở thì nhiều, nhưng chúng tôi ít có thông tin về loại hình nhà ở khu công nghiệp này. Từ năm 2015, tôi cũng được nghe công ty thông báo là có dạng nhà ở chung cư bán cho công nhân với giá thấp và trả qua lương của một công ty khác. Nhưng rồi cũng ‘bặt vô âm tín’ cho đến nay”, anh Dương than thở.
Sớm có giải pháp đột phá
Chia sẻ với pv, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc bộ phận nghiên cứu CBRE tại Hà Nội cho biết, nhu cầu của công nhân trong các khu công nghiệp không chỉ nhà ở mà còn có các nhu cầu về vui chơi, giải trí, dịch vụ y tế…, nhưng hầu như là các khu công nghiệp chưa đáp ứng được, trừ một số khu công nghiệp lớn như Bình Dương.
Trên thực tế, một số công ty lớn đã có các khu ký túc xá hỗ trợ người lao động nhưng cũng chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu thực của họ.
“Nhu cầu nhà ở của công nhân các khu công nghiệp là có nhưng, các chủ đầu tư vẫn dè chừng với phân khúc này. Bởi, tâm lý của chủ đầu tư là phân khúc nào sinh lời nhanh, ít rủi ro thì họ đầu tư và ngược lại. Nhưng, khả năng thanh khoản của công nhân là ít, bởi thu nhập của họ cũng thấp.
Nếu xây nhà siêu rẻ cho họ thì ít nhất cũng phải từ 300 - 600 triệu đồng/căn. Để giải quyết được nhu cầu của người lao động và thu hút nhà đầu tư vào phân khúc này chỉ có các chính sách hỗ trợ đầu tư của Nhà nước thì doanh nghiệp mới an tâm rót vốn vào phân khúc này”, bà An phân tích.
Tại buổi đối thoại với hơn 2.000 công nhân lao động tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung vào tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ông được báo cáo hiện trong số 2,7 triệu lao động của 344 khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước thì hơn 1,2 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở, nhưng mới chỉ từ 5-10% nhu cầu trên được đáp ứng.
Trước thực trạng đó, khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất Đề án về xây dựng các thiết chế công đoàn, Thủ tướng Chính phủ đã lập tức xem xét, phê duyệt ngay.
Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan chung tay xây dựng các khu thiết chế phục vụ công nhân lao động và đoàn viên công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất gồm: Thiết chế về nhà ở, nhà văn hóa, thư viện, nhà trẻ, trung tâm hỗ trợ pháp lý pháp luật cho công nhân nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công nhân.
Thủ tướng chính phủ cũng đề nghị: “Chính quyền các tỉnh, thành phố phối hợp cao nhất với Công đoàn trong việc cấp đất, hỗ trợ hạ tầng để xây dựng nhà ở và thiết chế công đoàn dành cho công nhân.
Đồng thời, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cùng quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà cho công nhân, giúp họ “an cư, lạc nghiệp”, đời sống công nhân được tốt hơn với mong muốn công nhân được lao động lâu dài tại doanh nghiệp, chung tay xây dựng đất nước”.
Hy vọng, với những cơ chế chính sách mới, chỉ đạo mới từ Chính phủ kiến tạo và hành động sẽ là tiền đề cho các doanh nghiệp biến “giấc mơ nhà” của người công nhân sớm thành hiện thực.