Nghiên cứu mô hình ủy thác thu bảo hiểm xã hội

(BĐT) - Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu vấn đề ủy thác thu BHXH.
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Việc áp dụng mô hình ủy thác thu BHXH là nhằm hướng tới mục tiêu chung là đa dạng hóa các phương thức thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), phục vụ người tham gia ngày càng tốt hơn cũng như mở rộng đối tượng tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW và Nghị quyết số 125/NQ-CP, đảm bảo thu BHXH đúng, đủ, kịp thời, minh bạch, giảm thiểu được tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH. Điều này cũng góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu BHXH, BHYT, nâng cao hiệu quả quản lý, giúp ngành BHXH tăng cường, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra và giảm nợ đọng BHXH, BHYT.

Theo Dự thảo, cơ quan BHXH sẽ tổ chức thí điểm ủy thác cho đơn vị nhận ủy thác, chỉ định Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện trong 3 năm, từ năm 2020-2022 và triển khai toàn diện từ năm 2023. Hiện nay, Bưu điện Việt Nam có hơn 11.000 điểm Bưu cục tại các xã, phường rộng khắp cả nước, 15.000 cán bộ bưu điện đã được cấp chứng chỉ trong công tác thu BHXH, BHYT.

Đánh giá cao sự chủ động tích cực của BHXH Việt Nam trong việc triển khai Nghị quyết 125/NQ-CP của Chính phủ, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, Dự thảo đã đưa ra đầy đủ, toàn diện về quan điểm, chủ trương của Đảng pháp luật của nhà nước; quyền và trách nhiệm của BHXH Việt Nam trong tổ chức thu BHXH, BHYT cũng như chỉ ra được những tồn tại hạn chế của từng nội dung; định hướng đề xuất về công tác uỷ thác thu BHXH cho giai đoạn tới.

Tuy nhiên, để hoàn thiện và tăng tính thuyết phục hơn nữa, ông Lợi cho rằng, Dự thảo cần nêu rõ được lợi ích nếu như thực hiện việc ủy thác thu BHXH. Đặc biệt, việc đánh giá lợi ích và hiệu quả ủy thác nhiệm vụ thu BHXH cần phải đầy đủ và toàn diện hơn, đồng thời có một phụ lục riêng làm rõ tính hiệu quả về chi phí bỏ ra khi tiến hành ủy thác thu. Việc thực hiện ủy thác thu BHXH phải xử lý một cách tổng thể khi sửa Luật BHXH...

Ngoài ra, một số ý kiến khác tại Hội thảo cũng góp ý, để tiếp tục hoàn thiện, Dự thảo cần làm rõ kết quả đạt được khi triển khai ủy thác thu BHXH; thống nhất, đồng bộ với việc sửa đổi Luật BHXH; đảm bảo tính pháp lý, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhiệm vụ đặt ra… đặc biệt tính liên kết dữ liệu giữa cơ quan quản lý và đơn vị được ủy thác thu để phục vụ tốt công tác quản lý BHXH.

Theo BHXH Việt Nam, đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT của cả nước đạt gần 90% dân số; tỷ lệ người lao động tham gia BHXH hơn 30% so với lực lượng lao động. Đáng chú ý, từ ngày 01/01/2018 có sự hỗ trợ của Nhà nước, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện tăng 1,25 lần so với thời điểm giai đoạn 2008 - 2018.

Trong tháng 9/2019, toàn ngành BHXH đã thu được 33.100 tỷ đồng. Lũy kế hết tháng 9/2019, tổng số thu của toàn Ngành là 262.097 tỷ đồng, đạt 72,9% kế hoạch cả năm. Trong đó, thu BHXH là 175.187 tỷ đồng, thu bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là 3.471 tỷ đồng, thu BHTN là 13.338 tỷ đồng, thu BHYT là 70.101 tỷ đồng.

Chuyên đề