Nghịch cảnh DN không mặn mà với thuốc hiếm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ đầu năm đến nay, nhiều bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện đầu ngành, tuyến cuối phản ánh tình trạng thiếu nghiêm trọng các mặt hàng thuốc thiết yếu, thuốc đặc hiệu, ít nguồn cung. Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) cung ứng dường như kém mặn mà dù liên tiếp nhận được đơn hàng đăng ký nhu cầu sử dụng thuốc. Tìm giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc hiếm là vấn đề cấp thiết được đặt ra lúc này.
Dịch sốt xuất huyết bùng phát ở nhiều địa phương, trong khi các bệnh viện thiếu dịch truyền Dextran 40, Dextran 70 chống sốc cho bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng. Ảnh minh họa
Dịch sốt xuất huyết bùng phát ở nhiều địa phương, trong khi các bệnh viện thiếu dịch truyền Dextran 40, Dextran 70 chống sốc cho bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng. Ảnh minh họa

Trung tâm chống độc thiếu thuốc chống độc

Gần đây, Trung tâm Chống độc thuộc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đang thiếu nhiều loại thuốc kháng độc như huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, thuốc giải độc Clostridium botulinum, ngộ độc kim loại nặng (asen, thủy ngân…)… Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây đều là những bệnh viện đầu ngành của cả nước về điều trị ngộ độc, đa số bệnh nhân có triệu chứng nặng, nguy cơ tử vong rất cao.

Tình trạng khan hiếm cũng xảy ra với một số loại vắc xin như: DPT, sởi… phục vụ cho Chương trình tiêm chủng mở rộng; thuốc Protamin sulfat - thuốc chống đông máu không thể thiếu trong quy trình phẫu thuật tim, lồng ngực… Câu chuyện căng thẳng nhất từ đầu năm đến nay phải kể đến việc thiếu dịch truyền Dextran 40, Dextran 70 chống sốc cho bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng, trong khi dịch bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, số ca nhập viện tăng nhanh và đã có gần 100 trường hợp tử vong.

Sau nhiều lần Bộ Y tế đốc thúc các đơn vị cung ứng khẩn trương tìm nguồn cung, ngày 17/8/2022, Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế Thái An đã nhập khẩu 28.000 ống thuốc tiêm Prosulf 10mg/ml (chứa hoạt chất Protamin sulfat) để cung ứng cho nhu cầu của các cơ sở khám chữa bệnh. Ngày 22/9/2022, Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC1 cho biết, lô 1.500 túi dịch truyền Dextran vừa về đến Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng này chưa thể đáp ứng nhu cầu hiện nay, bởi tính đến tháng 8/2022, số lượng đăng ký dịch truyền Dextran gửi công văn về Bộ Y tế đã lên tới hơn 31.200 túi và dự báo còn tiếp tục tăng.

Thuốc hiếm lợi nhuận thấp, dễ bị nợ đọng kéo dài

Nhiều DN hiện không mặn mà với việc kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng trên. Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một trong 3 DN được cấp phép nhập khẩu thuốc Protamin sulfat cho biết, DN chưa có kế hoạch nhập khẩu vì không có lợi nhuận, chưa kể còn dễ bị nợ đọng kéo dài.

Theo ông Công Viết Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC1 - đơn vị duy nhất được cấp giấy phép nhập khẩu dịch truyền Dextran 40, đơn đặt hàng tăng cao trong nhiều tháng qua, nhưng DN không cung ứng được do nhiều nguyên nhân. Mặt hàng này là thuốc thiết yếu nhưng khan hiếm nguồn cung (hiện chưa có giấy đăng ký lưu hành nào tại Việt Nam, phải cấp phép nhập khẩu), thị trường không có sẵn, số lượng sử dụng ít và lợi nhuận thấp, thậm chí lỗ, nên không mấy DN mặn mà kinh doanh mặt hàng này. Thực tế, giá của lô thuốc vừa nhập về tăng cao hơn so với năm ngoái.

“Muốn có thuốc thì phải đặt hàng nhà sản xuất từ trước đó 3 - 4 tháng, song các bệnh viện đặt hàng quá muộn, thời gian gửi dự trù, tổ chức đấu thầu mua sắm kéo dài từ 5 - 6 tháng. Đó là chưa kể lo ngại bệnh viện không lấy hàng đúng như kế hoạch đăng ký, khiến thuốc tồn kho dẫn đến hết hạn sử dụng thì phải hủy bỏ, đơn cử như gần 3.500/9.000 túi Dextran 40 nhập khẩu năm 2020 phải hủy, gây thiệt hại rất lớn cho DN”, ông Hải chia sẻ.

Tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, với quy định dự trù thuốc sử dụng từ 1 - 3 năm, chỉ một hoặc một số ít đơn vị trúng thầu có dự trù thuốc, các đơn vị khác sẽ không nhập hoặc sản xuất mặt hàng đó nữa dẫn đến độc quyền, mất đi tính cạnh tranh…

Nên thiết lập kho dự trữ quốc gia về thuốc hiếm

Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc hiếm, thuốc có ít nhà cung ứng như thời gian qua, ông Hải cho rằng, Bộ Y tế cần có chế tài ràng buộc trách nhiệm, tránh dự trù không sát với nhu cầu sử dụng, gây lãng phí. Mặt khác, việc dự trù thuốc điều trị sốt xuất huyết phải thực hiện sớm hơn, trước mùa mưa từ 3 - 4 tháng hoặc nửa năm. Trong tình huống khẩn cấp, cần có quy định rõ về các hình thức mua sắm thuốc phù hợp, đơn giản hóa thủ tục để rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu.

Một số ý kiến cho rằng, Bộ Y tế cần sớm sửa đổi, thay thế Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Bởi đối với thuốc chưa được nhập khẩu, hiện không có căn cứ để xây dựng giá kế hoạch, tiêu chí kỹ thuật... Trường hợp thuốc được nhập khẩu, trong giấy phép nhập khẩu đã ghi rõ đơn vị nhập khẩu và đơn vị mua, thì việc lập kế hoạch, tổ chức lựa chọn nhà thầu là không cần thiết.

Quy định về thời hạn sử dụng còn lại của thuốc trúng thầu tính từ thời điểm cung ứng cho cơ sở y tế (6 tháng với thuốc có hạn dùng từ 2 năm trở lên, 3 tháng với thuốc có hạn dùng từ 1 đến dưới 2 năm, ¼ hạn dùng với thuốc có hạn dùng dưới 1 năm) cũng chưa phù hợp. Trong thời điểm dịch Covid-19 vừa qua, các nhà thầu trúng thầu tồn đọng một lượng lớn thuốc còn hạn sử dụng và bảo đảm chất lượng, nhưng không thể cung cấp cho các cơ sở y tế vì không đáp ứng quy định này…

Ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đề xuất, đã đến lúc Bộ Y tế cần xây dựng kho dự trữ quốc gia về thuốc hiếm như dự trữ lúa gạo hay những mặt hàng thiết yếu khác, để chủ động và điều tiết thuốc điều trị kịp thời ngay khi dịch bệnh bùng phát ngoài dự kiến. Việc mua sắm thuốc hiếm nên tổ chức tập trung, có thể thực hiện theo hình thức đàm phán giá.

Chuyên đề