Nghị định 63/2018/NĐ-CP: Nhiều thay đổi trong thực hiện dự án PPP

(BĐT) - Ngày 5/6/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) cho các tỉnh phía Bắc.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện nhiều Sở KH&ĐT, một số cơ quan, doanh nghiệp các tỉnh phía Bắc.  Ảnh: Nguyệt Minh
Hội nghị có sự tham gia của đại diện nhiều Sở KH&ĐT, một số cơ quan, doanh nghiệp các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Nguyệt Minh

Hội nghị có sự tham gia của đại diện nhiều Sở KH&ĐT, một số cơ quan, doanh nghiệp các tỉnh phía Bắc.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng, PPP không còn là một khái niệm mới tại Việt Nam. Nghị định số 87/CP ngày 23/11/1993 ban hành Quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) là cơ sở pháp lý đầu tiên cho PPP tại Việt Nam. Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2015/NĐ-CP và Nghị định 30/2015/NĐ-CP nhằm quy định quy trình, thủ tục thực hiện một dự án PPP phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhiều dự án PPP thực hiện trong giai đoạn này đồng thời cũng lần đầu tiên thực hiện các thủ tục liên quan đến lập kế hoạch đầu tư công trung hạn theo Luật Đầu tư công năm 2014.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, việc thực hiện dự án PPP theo Nghị định 15/2015/NĐ-CP đã có một số kết quả tích cực. Tuy nhiên quá trình triển khai cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế đến từ những nguyên nhân như sự bất hợp lý về quy định liên quan đến dự án PPP, đặc biệt là quy định về chủ trương đầu tư dự án PPP; nguồn lực tài chính bố trí để chuẩn bị dự án và phần Nhà nước tham gia vào các dự án PPP hạn chế; năng lực của các tổ chức đầu mối, cán bộ thực hiện dự án PPP còn thiếu và yếu,...

Bên cạnh đó, nhiều bộ, ngành, địa phương cũng như dư luận đặt ra các yêu cầu cần có quy định quản lý chặt chẽ hơn đối với dự án BT.

“Nghị định số 63/2018/NĐ-CP nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập của Nghị định 15/2015/NĐ-CP theo hướng tiếp thu các bài học từ thực tiễn triển khai đồng thời vẫn đảm bảo sự phù hợp với thông lệ quốc tế”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng chia sẻ.

Ông Trần Việt Dũng, Chánh Văn phòng PPP, Bộ KH&ĐT đã thông tin về các điểm sửa đổi, bổ sung của Nghị định 63/2018, như bổ sung lĩnh vực đầu tư; bổ sung trình tự phù hợp hơn với dự án công nghệ cao; bổ sung nguồn vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP; quy trình quyết định chủ trương đầu tư; bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Các dự án BT cũng sẽ được điều chỉnh bởi những quy định chặt chẽ hơn; tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư; thời điểm chuyển nhượng dự án; yêu cầu công khai thông tin hợp đồng dự án PPP;...

Tại Hội nghị, Bộ KH&ĐT cũng giới thiệu khái quát và lấy ý kiến về dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định  63/2018; lắng nghe, giải đáp nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ về khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn chuyển tiếp;...

Cuối tuần này, Hội nghị phổ biến Nghị định 63/2018 đối với các tỉnh phía Nam sẽ được tổ chức tại TP.HCM.

Chuyên đề