Ngân hàng “hẹp cửa” tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại

0:00 / 0:00
0:00
Không chỉ các ngân hàng thương mại Nhà nước, nhóm ngân hàng thương mại tư nhân cũng khó tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại trong ngắn hạn...
Ngân hàng “hẹp cửa” tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại

Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), không chỉ các ngân hàng thương mại Nhà nước, nhóm ngân hàng thương mại tư nhân cũng rơi vào tình trạng "hẹp cửa" tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại trong ngắn hạn.

Cụ thể, đối với nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, còn nhớ, hồi đầu năm 2021, giới chuyên môn đều đặt kỳ vọng vào Nghị quyết 161/NQ-CP sẽ tạo khuôn khổ để Chính phủ giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tối thiểu tại các ngân hàng thương mại Nhà nước từ 65% còn khoảng từ 50% đến dưới 65%.

Ở thời điểm đó, một dự thảo văn bản thay thế Quyết định 58/2016/QĐ-TTg (Quyết định 58) đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng theo hướng đối với doanh nghiệp Nhà nước, sẽ phân loại lại các ngân hàng (không phải là công ty bảo hiểm, chứng khoán, quản lý quỹ, tài chính và cho thuê tài chính) vào nhóm do Nhà nước nắm giữ từ 50% đến dưới 65% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, Quyết định 22/NQ-CP ngày 2/7/2021 được ban hành, chính thức thay thế Quyết định 58, lại yêu cầu Nhà nước phải sở hữu ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại các ngân hàng thương mại Nhà nước trong giai đoạn 2021-2025.

Song song, tại một diễn biến khác, Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) quy định, trong 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực (ngày 1/8/2020), Việt Nam đã cam kết xem xét cho phép 2 tổ chức tín dụng Châu Âu được phép sở hữu tới 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, cam kết này không áp dụng với 4 ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối (BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank).

Đối với nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, cam kết EVFTA cũng chỉ cho phép 2 ngân hàng vào trường hợp đặc biệt. Trong đó, nhóm phân tích tại VCSC cho rằng, ứng cử viên rõ ràng nhất cho cam kết EVFTA này là Sacombank, do 32,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng này đang được giữ làm tài sản thế chấp cho một khoản nợ không thể thanh toán và đã chuyển nhượng cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

“Việc bán 32,5% này trong một lần sẽ tính đem lại giá trị cao nhất cho giá cao nhất cho VAMC, và bởi vì số cổ phần này vượt quá ngưỡng tỷ lệ sở hữu nước ngoài 30% hiện đang áp dụng cho các ngân hàng, việc bán sẽ phải được thực hiện theo một miễn trừ đặc biệt như EVFTA “, VCSC nhận định.

Riêng đối với “các ngân hàng 0 đồng” gồm CB Bank, GP Bank và Ocean Bank, VCSC đánh giá không phải là ứng cử viên rõ ràng cho cam kết EVFTA vì Thông tư 38/2014/NHNN đã cho thấy cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài mua hơn 30% cổ phần của một “ngân hàng 0 đồng” khi có sự chấp thuận của Chính phủ từ năm 2014; tuy nhiên, đã không có người mua nào cho tới thời điểm này.

"Nhìn chung, quy định về trần sở hữu nước ngoài tối đa dẫn đến việc khó tăng room ngoại cho tất cả ngân hàng trong hệ thống", nhóm phân tích tại VCSC nhận định.

Hiện tại, tốc độ tăng trưởng tài sản của ngân hàng khá cao trong khi tăng trưởng vốn chưa tương xứng. Mặc dù năm 2021, các ngân hàng Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh hoạt động tăng vốn thông qua chia cổ tức, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư hiện hữu, phát hành trái phiếu riêng lẻ… nhưng xét mặt bằng chung, vốn của nhiều ngân hàng vẫn còn mỏng.

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, tính đến hết tháng 9/2021, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của hệ thống ngân hàng theo Thông tư 41/2016/TT đang ở mức 11,37%. Mới chỉ có một vài ngân hàng đang triển khai Basel 3, còn lại chỉ dừng ở Basel 2.

Do đó, nhu cầu cần sự hỗ trợ của các nhà đầu tư lớn, tiềm lực tài chính mạnh giúp các ngân hàng tăng quy mô vốn chủ sở hữu, tăng năng lực tài chính, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu là rất lớn.

Song, theo báo cáo mới đây của Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), một số ngân hàng thương mại đã có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài chạm/gần chạm trần 30%.

Cụ thể, tính đến 30/6/2021 có 19 tổ chức tín dụng có cổ đông là tổ chức nước ngoài sở hữu trên 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, trong đó ngân hàng thương mại nhà nước có 03/04 ngân hàng và ngân hàng thương mại cổ phần là 16/28 ngân hàng; 11 tổ chức tín dụng có tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức nước ngoài trên 15% trong đó có 5 tổ chức tín dụng có tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức nước ngoài trên 25%.

Chuyên đề