Nên giữ nguyên mức thuế VAT với nhóm hàng thiết yếu

Việc tăng thuế cần có lộ trình cụ thể, đồng thời những mặt hàng thiếu yếu cho sinh hoạt của người dân thì nên giữ nguyên mức thuế hiện tại.
Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh: VGP
Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh: VGP

Đó là ý kiến được nhiều chuyên gia, hiệp hội đưa ra trong Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 Luật thuế, diễn ra ngày 13/9 tại TPHCM do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Giữ nguyên nhóm hàng thiết yếu

ThS. Trần Minh Hiệp, Đại học Luật TPHCM cùng nhiều chuyên gia cho rằng, bản chất của thuế giá trị gia tăng (GTGT) là loại thuế gián thu, điều tiết hầu như tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.

Chính vì vậy, Dự thảo luật đề xuất chuyển một số hàng hóa thuế suất thấp (5%) sang mức thuế suất phổ thông (10%) là chưa hợp lý, bởi những hàng hóa, dịch vụ này là những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, mọi tầng lớp đều sử dụng hoặc cần khuyến khích hỗ trợ (dụng cụ thiết bị giáo dục, y tế, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh…).

Khi tăng thuế các hàng hóa thiết yếu từ mức 5% lên 6% hoặc 10% sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới những người thu nhập thấp hoặc trung bình, trong khi những người thu nhập cao sẽ ít bị ảnh hưởng và tác động hơn.

Các đại biểu cũng cho rằng, nếu tăng mức thuế đối với một số hàng hóa từ 10% lên 12% thì cần phân loại xem xét kỹ lưỡng hàng hóa nào nên tăng, chẳng hạn tăng thuế những hàng hóa xa xỉ thì sẽ hợp lý hơn.

Tăng thuế cần có lộ trình

Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét kỹ, chưa nên đưa nước ngọt vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, vì nếu dự án Luật được thông qua sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các DN trong ngành.

Khi đó, các DN phải chịu nhiều loại thuế với mức tăng bao gồm: Thuế VAT tăng từ 10% lên 12%; thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thêm vào đó là mức thuế VAT áp dụng cho đường tăng từ 5% lên 6%.

Các yếu tố này khả năng làm đẩy giá các sản phẩm nước giải khát trên thị trường tăng khoảng 12% làm nhu cầu giảm, ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm của DN. Trong khi đó, hàng giả, hàng nhái có nguy cơ tràn lan trên thị trường nếu như không được kiểm soát chặt.

Hơn nữa, việc lý giải của cơ quan chức năng khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt là do tác động của nó tới sức khỏe người dân, gây béo phì là chưa rõ ràng, “có rất nhiều mặt hàng sử dụng đường sao không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”, ông Vỵ nêu quan điểm.

Ông Khuất Quang Hưng, đại diện Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng thuộc Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho rằng: “Cần cân nhắc kỹ trước khi tăng thuế VAT với nước ngọt, giữ nguyên 10% là phù hợp với bối cảnh thu nhập của người Việt Nam hiện nay”.

Bên cạnh đó, khái niệm nước ngọt quá rộng, bao gồm cả những sản phẩm có ích cho sức khỏe; sản phẩm cho trẻ em, nước trái cây có sử dụng đường,  rất dễ bị đánh đồng khi tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Vì vậy, Bộ Tài chính cần có cách đánh giá cụ thể với từng mặt hàng.

Một số ý kiến đồng tình, cho rằng phải có quy định thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt khác nhau với từng loại nước ngọt, phân theo hàm lượng đường trong sản phẩm. Nếu đánh đồng sẽ không khuyến khích được DN giảm tỉ lệ đường trong sản phẩm.

Cùng với đó, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm nước ngọt cũng cần phải có lộ trình, trước mắt không nên áp quá cao, phải từ từ cho DN và người tiêu dùng thích nghi.

Đánh thuế VAT bất động sản có phù hợp?

Ông Phan Vũ Hoàng, Phó Tổng Giám đốc dịch vụ tư vấn thuế, Công ty  Deloitte Việt Nam cho biết, dự thảo luật đề nghị bỏ quy định về chuyển quyền sử dụng đất không chịu thuế VAT để chuyển sang chịu thuế VAT với mức thuế suất thông thường 10% và sửa đổi bỏ quy định giá tính thuế VAT đối với hoạt động kinh doanh bất động sản(BĐS) được trừ giá chuyển quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp Ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng, các DN lo ngại việc chuyển từ không chịu thuế sang phải chịu mức thuế VAT 10% sẽ khiến giá BĐS tăng lên, làm giảm sức mua, ảnh hưởng đến thị trường BĐS nói chung.

Các DN cho rằng thuế VAT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hó,a dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến người tiêu dùng. Trong khi đó, đất là tài sản của Nhà nước, chỉ cho phép người sử dụng đất sử dụng, định đoạt (chuyển nhượng, tặng, cho…) và được coi là “tài sản đặc biệt” không được sản xuất, lưu thông, tiêu dùng như một hàng hóa bình thường, vậy việc đánh thuế VAT trên BĐS có phù hợp?

Chuyên đề