Ném bom mạnh nhất diệt IS, Mỹ đang dằn mặt Triều Tiên

Quả bom chuyên diệt mục tiêu trong đường hầm được Mỹ ném xuống Afghanistan trong bối cảnh Triều Tiên được cho là sắp thử hạt nhân lần thứ 6.

Quân đội Mỹ thử nghiệm bom GBU-43 

Quân đội Mỹ ngày 13/4 lần đầu tiên sử dụng GBU-43, một trong những loại bom phi hạt nhân mạnh nhất thế giới, tấn công nơi trú ẩn của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) trong các dãy núi ở Afghanistan.

Theo Peter Bergen, chuyên gia phân tích an ninh quốc gia của CNN, quả bom GBU-43 mà Mỹ ném xuống Afghanistan đã giúp Washington đạt được hai mục đích quan trọng. Mỹ vừa đảm bảo được với đồng minh Afghanistan rằng họ sẽ không bị bỏ rơi trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, vừa phát đi một thông điệp quan trọng nhắm tới Triều Tiên.

Việc quân đội Mỹ ném GBU-43 xuống Afghanistan để diệt IS đã khiến ngay cả những người học xây dựng học thuyết chống nổi dậy như tướng David Petraeus, cựu giám đốc CIA, ngạc nhiên. Học thuyết chống nổi dậy của Mỹ luôn cho rằng những vũ khí lớn như GBU-43 không bao giờ được coi là một công cụ hiệu quả để chống lại phiến quân, bởi mục tiêu cuối cùng của các chiến dịch chống nổi dậy là giành lấy lòng dân chứ không phải xóa sổ họ.

Theo bình luận viên Andrew Peek, trong những năm qua, các quy tắc giao chiến của Mỹ ở Afghanistan đã được siết chặt theo học thuyết này, bởi các tướng lĩnh ngày càng hiểu rằng thu phục người dân địa phương mới là điều họ cần đạt được, chứ không phải lãnh thổ.

Các quy tắc này có một ngoại lệ, đó chính là với các phần tử IS không được người dân địa phương chào đón, đang cố thủ trong các hang động, đường hầm ở vùng núi Nangarhar nằm giữa biên giới Afghanistan và Pakistan.

Kể từ khi chi nhánh IS xuất hiện ở Afghanistan năm 2014, nhóm phiến quân trở thành tổ chức cực đoan bị ghét nhất tại đất nước này, phải đóng căn cứ trong các dãy núi sâu, không nhận được cảm tình của nhiều bộ tộc địa phương và liên tục bị tấn công bởi quân đội Mỹ, Afghanistan cũng như phiến quân Taliban.

Tướng Mick Nicholson, tư lệnh quân đội Mỹ ở Afghanistan, hiểu rõ điều này. IS ở Afghanistan không có đủ sức mạnh cũng như ảnh hưởng để gây ra mối đe dọa lớn cho Mỹ tại quốc gia này, nên việc sử dụng những loại bom khổng lồ như GBU-43 để tấn công phiến quân là điều không thực sự cần thiết, theo Peek. IS đang lầm vào tình cảnh nguy khốn ở cả Iraq và Syria, nơi ra đời của nhóm khủng bố khét tiếng này. Một khi IS bị bóp chết tại hai quốc gia Trung Đông này, tàn quân của chúng ở Afghanistan tất yếu sẽ bị tan rã.

Phiến quân IS ở Afghanistan chỉ cố thủ trong các hang động ở khu vực rừng núi. Ảnh:YouTube

Quan hệ giữa Mỹ và đồng minh Afghanistan phần nào đi xuống kể từ khi Tổng thống Barack Obama ra lệnh rút lính Mỹ khỏi quốc gia này, khiến phong trào Taliban có cơ hội trỗi dậy.

Tuy không mang lại nhiều giá trị về mặt chiến thuật, việc sử dụng bom GBU-43 ở Afghanistan giúp Mỹ phần nào trấn an quốc gia đồng minh này, thể hiện rằng họ vẫn tích cực tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố bằng mọi biện pháp, kể cả việc sử dụng những loại vũ khí uy lực nhất.

Thông điệp đến Triều Tiên

Việc Mỹ khoe sức mạnh của loại vũ khí được gọi là "mẹ của mọi loại bom" này trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng ở Triều Tiên khiến giới phân tích còn nhìn nhận đây là một đòn dằn mặt mà Washington nhắm tới Bình Nhưỡng, theo NYDailyNews.

Bình luận viên Peek cho rằng bom GBU-43 không được thiết kế để tiêu diệt các nhóm phiến quân nhỏ lẻ ở Afghanistan. Nó ra đời trong Chiến tranh Iraq, với mục đích phá hủy các cơ sở hạt nhân kiên cố dưới mặt đất, giống như những gì mà Triều Tiên đang bị cáo buộc sở hữu và phát triển để chuẩn bị cho đợt thử bom hạt nhân lần thứ 6.

Quả bom chuyên hủy diệt hầm ngầm này được Mỹ đưa ra sử dụng lần đầu tiên chỉ hai ngày trước khi Triều Tiên tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh cố chủ tịch Kim Nhật Thành. Bình Nhưỡng thường tổ chức thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa vào những ngày lễ trọng đại như vậy. Tình báo Mỹ cũng cho rằng Triều Tiên đã đưa thiết bị hạt nhân xuống một đường hầm và sẽ kích nổ vào ngày 15/4.

Trong bài phát biểu thể hiện sự ủng hộ đối với cuộc không kích bằng bom GBU-43 của quân đội Mỹ ở Afghanistan, Tổng thống Donald Trump khẳng định Triều Tiên là một "rắc rối" và nhấn mạnh "rắc rối này sẽ được xử lý". Tuyên bố này của ông Trump khiến nhiều người lo ngại rằng Mỹ có thể sử dụng biện pháp quân sự đối với Triều Tiên trong trường hợp Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 6.

Bởi vậy, Peek nhận định rằng cuộc không kích này có thể là một màn phô diễn sức mạnh của Mỹ để Triều Tiên thấy rằng đối thủ của họ sở hữu những công cụ đầy uy lực có thể hủy diệt những hệ thống vũ khí cất giấu sâu dưới các đường hầm, với hy vọng Bình Nhưỡng sẽ chấp nhận xuống nước trước đòn "dằn mặt" này.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới thăm một cơ sở nghiên cứu quân sự. Ảnh:KCNA

Tuy nhiên, bình luận viên David Jackson của USA Today cho rằng quả bom GBU-43 đó khó có thể truyền tải được thông điệp răn đe của Mỹ, bởi các tướng lĩnh Triều Tiên sẽ dễ dàng nhận ra rằng Mỹ không còn cách nào khác để ném bom GBU-43 xuống mục tiêu ngoài việc sử dụng các vận tải cơ hạng nặng như C-130. Đây là những chiếc máy bay bay chậm, không có khả năng tự vệ cao trước hệ thống phòng không dày đặc của Triều Tiên, khiến chúng rất khó sống sót trước khi tới được mục tiêu.

Jackson cho rằng Triều Tiên vẫn sẽ thể hiện thái độ kiên quyết trước các động thái quân sự mang tính răn đe của Mỹ, nhiều khả năng sẽ vẫn thực hiện vụ thử hạt nhân tiếp theo bất chấp sức ép từ phương Tây cũng như Trung Quốc. "Thời gian tới, chúng ta có thể sẽ tiếp tục chứng kiến màn phô diễn sức mạnh đầy căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên", ông nhấn mạnh.

Chuyên đề