Dòng FDI thế hệ mới phải tập trung vào những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao, sức lan tỏa lớn. Ảnh: Minh Khuê |
Bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ cũng đang đặt ra những yêu cầu mới đối với dòng vốn FDI, điều này được đề cập tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Sứ mệnh mới của đầu tư nước ngoài
Thể chế hóa những chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc “nâng tầm” dòng vốn FDI vào Việt Nam thời gian tới, tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (DN) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) đưa ra lấy ý kiến hoàn thiện đã có những đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới chất lượng, hiệu quả.
Phát biểu tại một hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật diễn ra mới đây, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, một trong những định hướng quan trọng trong việc sửa Luật Đầu tư lần này là nhằm cụ thể hóa quan điểm mới, định hướng mới của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề thu hút FDI, đặc biệt là thu hút FDI thế hệ mới sử dụng công nghệ cao, có tính đổi mới sáng tạo, quy mô vốn lớn… “Đây là những căn cứ quan trọng làm tiền đề sửa Luật”, Thứ trưởng nói.
Với định hướng này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, dòng FDI thế hệ mới phải tập trung vào những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao, sức lan tỏa lớn. “Đây là yêu cầu quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi thế giới không chỉ có xu hướng hội nhập, xóa bỏ các rào cản mà còn có xu hướng bảo hộ mạnh mẽ cho khu vực kinh tế nội địa của mình một cách phù hợp”, ông Lộc nhìn nhận.
Cho rằng sứ mệnh của FDI trong việc bù đắp thiếu hụt về vốn đầu tư đã “xưa rồi”, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, chính sách mới về đầu tư nước ngoài thời gian tới cần có điều khoản mạnh mẽ hơn để thu hút dòng FDI chất lượng cao hơn, tốt hơn, đặc biệt là liên kết tốt hơn với các DN trong nước và quản lý FDI tốt hơn. Theo ông Toàn, điều quan trọng là nâng tầm FDI thích ứng với yêu cầu phát triển kinh tế của Việt Nam, cũng như tận dụng được cơ hội, kết quả của hội nhập để không những DN FDI được hưởng mà các DN Việt Nam cũng được tạo điều kiện phát triển.
Thu hút một cách chọn lọc và có chất lượng
Dự thảo Luật đã có những đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu mới đặt ra, đó là đảm bảo thu hút FDI một cách chọn lọc và có chất lượng.
Về khái niệm, Dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Đầu tư nhằm làm rõ nội hàm của các khái niệm, trong đó có bổ sung khái niệm “điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài”.
Cụ thể, Dự thảo Luật định nghĩa: “Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng để đầu tư trong ngành, nghề đầu tư có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”. Bổ sung khái niệm “tổ chức kinh tế có sở hữu chi phối của nhà đầu tư nước ngoài” để làm rõ tiêu chí về quyền kiểm soát DN của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với tiêu chí xác định công ty mẹ, con quy định tại Điều 189 Luật DN.
Đồng thời, Dự thảo Luật đề xuất sửa đổi Điều 24, Điều 25 và Điều 26 Luật Đầu tư theo hướng bổ sung quy định để cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi góp vốn, mua cổ phần của DN có hoạt động đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực quan trọng hoặc tại địa bàn có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Làm rõ quy trình, thủ tục, điều kiện góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức, cá nhân cũng như DN có vốn nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài… Để quản lý, Dự thảo Luật đề xuất sửa đổi Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều 71 về chế độ báo cáo định kỳ đối với hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Tán thành với đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, song ông Lộc bày tỏ một mong muốn lớn hơn. “Luật Đầu tư và Luật DN “sinh ra” từ cơ quan tổng tư lệnh kinh tế của Việt Nam - ngọn cờ đầu của cải cách… Vì thế, sứ mệnh của các luật này là phải dẫn dắt phong trào cải cách mới ở Việt Nam, trong đó có định hướng nâng tầm dòng vốn FDI để thực sự mở ra một giai đoạn phát triển mới của các DN trong nước song hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài”. Một số ý kiến khác cũng đánh giá, việc định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo đề xuất là tín hiệu tốt cho việc nâng chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài thời gian tới.