Năng suất lao động Việt Nam đang rất thấp

(BĐT) - Ông Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn CEO với chủ đề “Nâng cao năng suất lao động, đòn bẩy tăng trưởng kinh tế” diễn ra chiều ngày 13/4, tại Hà Nội.
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Trung Hiếu
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Trung Hiếu

Theo ông Tuấn, cùng với quá trình đổi mới và phát triển kinh tế, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam đã cải thiện đáng kể. NSLĐ toàn nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành ước đạt 92,1 triệu đồng, tương đương khoảng 4.100 USD/lao động, tăng 5,9% so với năm 2016, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,5% giai đoạn 2011 - 2016 và cao hơn nhiều so với mức tăng 3,45%/năm giai đoạn 2006 - 2010. Đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ngày càng cao. Chỉ tính riêng các năm 2016 - 2017, TFP ước tăng 2,26%, đóng góp khoảng 35,4% vào tăng trưởng kinh tế. 

Song NSLĐ của Việt Nam đang rất thấp so với nhu cầu phát triển. Với tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khoảng 4,7% giai đoạn 2011 - 2017, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị tụt lại phía sau khi mà tốc độ tăng năng suất đang thấp hơn tốc độ tăng bình quân của GDP khoảng 6,21% cùng thời kỳ, và cũng thấp hơn tốc độ tăng lương thực tế bình quân khoảng 12,59%/năm. Có nghĩa là chi phí sản xuất ở Việt Nam đang trở nên đắt đỏ hơn và điều này tác động trực tiếp tới tính cạnh tranh của nền kinh tế, nguy cơ sụt giảm đà công nghiệp hoá khi mà nhiều doanh nghiệp FDI sẽ chuyển địa điểm sản xuất sang nước có chi phí rẻ hơn, tạo áp lực lớn lên tăng trưởng kinh tế.

Chuyên đề