Nâng mức khống chế chi phí lãi vay, khoảng 4.875 tỷ đồng được hồi tố

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -Theo tính toán của Bộ Tài chính, sẽ có khoảng 4.875 tỷ đồng được hoàn lại hoặc khấu trừ cho doanh nghiệp từ việc thực hiện Nghị định mới về khống chế chi phí lãi vay.
Phần chi phí lãi vay không được trừ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay. Ảnh: Internet
Phần chi phí lãi vay không được trừ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay. Ảnh: Internet

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 68 sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Theo đó, nâng mức khống chế tỷ lệ tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết từ 20% lên 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ, cộng với lãi vay phát sinh trong kỳ, cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ.

Phần chi phí lãi vay không được trừ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn 30%. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.

Theo đánh giá sơ bộ của Tổng cục Thuế, đối với các doanh nghiệp đã tuân thủ kê khai, năm 2017, số chi phí lãi vay được trừ tăng 10.336 tỷ đồng (tương đương số thuế thu nhập doanh nghiệp phải hoàn là 2.067 tỷ đồng). Năm 2018, số chi phí lãi vay được trừ tăng lên 14.041 tỷ đồng (tương đương số thuế thu nhập doanh nghiệp phải hoàn là 2.808 tỷ đồng).

Số liệu này chưa bao gồm số tiền lãi tương ứng tiền chậm nộp từng kỳ quyết toán đến nay và không bao gồm các doanh nghiệp cố tình không tuân thủ kê khai chi phí lãi vay và số thuế phải nộp chỉ được phát hiện, truy thu qua thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới. Như vậy, sẽ có khoảng 4.875 tỷ đồng được hoàn lại hoặc khấu trừ cho doanh nghiệp.

Do Nghị định 68 được áp dụng kể từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 nên đối với kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017 và 2018, các trường hợp thuộc đối tượng áp dụng theo Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 được khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp để xác định lại chi phí lãi vay, số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tương ứng và nộp cho cơ quan Thuế trước ngày 1/1/2021.

Theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, trường hợp khi khai bổ sung, số thuế thu nhập doanh nghiệp giảm thì sẽ được giảm số tiền chậm nộp tương ứng (nếu có). Trường hợp doanh nghiệp có số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp đã nộp ngân sách nhà nước lớn hơn số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền chậm nộp đã xác định thì phần chênh lệch được bù trừ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020. Trường hợp số thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020 không đủ bù trừ hết thì phần còn lại được bù trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho các năm tiếp theo nhưng không quá 5 năm. Tức là hết năm 2024, cơ quan Thuế sẽ không xử lý số thuế còn lại chưa bù trừ hết.

Chuyên đề