Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA

Thực tế cho thấy, Việt Nam ngày càng chủ động tiếp cận, đàm phán và tiếp nhận các khoản vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do nước ta đã đạt mức thu nhập trung bình của thế giới nên khả năng sẽ không được hưởng những điều kiện ưu đãi khi vay ODA như thời gian trước. Yêu cầu đặt ra hiện nay là phải có nhận thức, cách tiếp cận và hành động phù hợp với hoàn cảnh mới để sử dụng nguồn vốn này hiệu quả hơn…
Tuyến đường Vành đai 2 Cầu Giấy - Nhật Tân là một trong những công trình sử dụng vốn ODA mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Tuyến đường Vành đai 2 Cầu Giấy - Nhật Tân là một trong những công trình sử dụng vốn ODA mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Giảm thời gian vay và trả nợ

Hơn 20 năm qua, Việt Nam từng bước tái hội nhập đời sống kinh tế quốc tế, tăng cường hợp tác kinh tế với các định chế tài chính quốc tế và đối tác song phương. Hàng loạt công trình sử dụng ODA đã hình thành, phát huy tác dụng tích cực và lan tỏa trên diện rộng, phục vụ đắc lực mục tiêu quốc kế dân sinh. Đơn cử, như dự án cầu Bãi Cháy, cầu Nhật Tân, các đoạn tuyến trên quốc lộ 18, quốc lộ 1A, cầu Cần Thơ, cảng Hải Phòng…

Dự báo, giai đoạn 2016-2020, Việt Nam có nhu cầu huy động, sử dụng khoảng 39,5 tỷ USD vốn ODA, trong đó phấn đấu giải ngân 25 - 30 tỷ USD (tăng 14% so với giai đoạn 5 năm trước). Tính chung, nhu cầu về vốn đầu tư cho các công trình, dự án lớn của quốc gia vẫn tiếp tục gia tăng; đặc biệt riêng nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, với hàng loạt hạng mục thuộc các sân bay, bến cảng, hệ thống đường bộ đã lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, thực tế lại đang xuất hiện một số yếu tố bất lợi trong việc huy động vốn ODA. Đó là, từ khi Việt Nam đạt mức thu nhập trung bình của thế giới thì mức độ ưu đãi trong các khoản vay dành cho Việt Nam ngày càng giảm, để phù hợp với tập quán quốc tế và quan điểm hỗ trợ của các nhà tài trợ. Việt Nam đang tiệm cận với điều kiện vay mới theo cơ chế thị trường, với lãi suất cao hơn (phần lớn sẽ tăng lên 2 - 3,5%) so với lãi suất dưới 1% trong những năm trước. Ngân hàng Thế giới (WB) cùng các nhà tài trợ khác cũng đã thông báo về việc giảm bớt mức cho vay, đồng thời sẽ sớm họp để thống nhất về khả năng có tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam theo điều kiện ưu đãi nữa không, bên cạnh các điều kiện liên quan khác như lãi suất, thời hạn trả nợ…

Theo Bộ Tài chính, xét riêng về thời gian vay - trả nợ sẽ có sự thay đổi nhiều, theo hướng bất lợi hơn đối với bên vay. Nếu như trước đây các khoản ODA thường được ấn định hoàn trả trong 30 - 40 năm thì từ nay giảm xuống còn 10 - 25 năm. Đương nhiên, các chi tiết về điều kiện áp dụng sẽ được các bên thống nhất theo cam kết của từng dự án cụ thể. Áp lực trả nợ ODA cũng đang gia tăng trong thời gian gần đây và sẽ tiếp diễn trong những năm tới vì nguyên nhân này.

Tuy nhiên, nhu cầu về vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam rất lớn, trong khi khả năng tự huy động, thu xếp của nền kinh tế lại hạn chế, nên thời gian tới vẫn phải vay vốn ODA. Điều đó đặt ra yêu cầu cần có cách tiếp cận mới, nhất là sự đổi mới về nhận thức, cách tiếp cận và quản lý mới, hiệu quả hơn khi sử dụng vốn ODA.

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn

Theo chuyên gia kinh tế Dương Đức Ưng, trước tình hình mới, với sự thay đổi và điều kiện vay vốn theo hướng siết chặt hơn, các cơ quan quản lý, nhất là đơn vị thụ hưởng vốn ODA cần nâng cao ý thức tuân thủ quy định về vay, sử dụng nguồn vốn này; bảo đảm đúng mục đích, có hiệu quả và tiến độ. Một số chuyên gia khác cùng đồng thuận với quan điểm này và nhấn mạnh là không thể chấp nhận cũng như không còn “đất” cho tư duy, cách lãng phí, coi nhẹ thậm chí là tâm lý “vung tay quá trán” trong sử dụng ODA. Đặc biệt, cần tăng cường quản lý, giám sát, quy trách nhiệm cho các lãnh đạo đơn vị sử dụng ODA kết hợp với việc chấm dứt tình trạng chậm trễ, kéo dài quá trình triển khai dự án như trước đây.

Chính phủ, các ngành chức năng đã ban hành một số văn bản pháp lý về quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng ODA, tập trung xác định trách nhiệm của chủ dự án. Đặc biệt, Chính phủ sẽ tăng cường áp dụng cơ chế quản lý chặt chẽ hơn cũng như tăng tỷ lệ cho vay lại vốn ODA đối với các địa phương. Cơ chế này sẽ ràng buộc trách nhiệm của mỗi địa phương, cảnh báo họ về sự chủ động và tránh tâm lý ỷ lại, nặng tư tưởng xin - cho như đã tồn tại từ nhiều năm qua… Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị có sử dụng ODA chấp hành việc thu thập số liệu, báo cáo Chính phủ định kỳ 6 tháng/lần, với một số nội dung quan trọng như tình hình, tiến độ triển khai dự án, vấn đề quản lý, vướng mắc nảy sinh, vốn đối ứng trong nước, tốc độ giải ngân…

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh, cơ quan quản lý cũng nên quan tâm, tạo điều kiện và cơ chế phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp dân doanh tiếp cận, đặt vấn đề vay vốn ODA từ nhà tài trợ quốc tế theo tinh thần đúng đối tượng, đúng mục tiêu. Điều này sẽ giảm gánh nặng về quản lý, giúp bên cho vay và vay tiếp xúc trực tiếp để thực hiện những dự án có ý nghĩa, tác dụng thiết thực. Qua đó, góp phần đa dạng hóa nguồn vốn vay đối với doanh nghiệp, tạo lập sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc sở hữu khác nhau.

Chuyên đề